Nga bị loại khỏi nhóm G8

Hôm qua (24/3), Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh thân cận nhất đã loại Nga ra khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8.

Đây là một động thái nhằm trừng phạt Tổng thống Vladimir V. Putin vì đã sáp nhập Crimea vào Nga. Bên cạnh đó, phương Tây cũng đưa ra lời đe dọa sẽ sử dụng những biện pháp cứng rắn hơn nếu ông Putin leo thang hành động bất hợp pháp tại Ukraine.

Một cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Obama, các nhà lãnh đạo Canada, Nhật Bản và bốn nền kinh tế mạnh nhất châu Âu kéo dài hai giờ liền bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đã diễn ra. Đây là cuộc họp đầu tiên của các cường quốc công nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra tại Ukraine nhằm bàn về một biện pháp cô lập Nga.

Một số nhà bình luận cho biết, việc loại Nga khỏi G8 được các quan chức thừa nhận chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện sự quyết tâm của các quốc gia sẽ trừng phạt nặng Moscow nếu ông Putin còn có những động thái manh động trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, Đức và một số đồng minh khác cho rằng còn quá sớm để xem xét việc loại Nga ra khỏi nhóm G8. Nga đã tham gia nhóm này từ năm 1998, thể hiện tín hiệu hợp tác Đông- Tây, khai trừ Nga chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nga bị loại khỏi nhóm G8 - 1

Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp tại The Hague

Bên cạnh việc loại Nga khỏi G8, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (nay gọi là G7) hôm qua cũng hủy hội nghị thượng đỉnh dự kiến do Nga đăng cai. Sau cuộc họp khẩn được Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi, G7 tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị ở Brussels, Bỉ, mà không có Nga, thay vì thượng đỉnh G8 lẽ ra sẽ diễn ra tại Sochi.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga tích cực tìm cách tham gia các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới và đã đạt được mục đích vào năm 1998. Tất cả những hành động của Tổng thống Putin dẫn tới việc hội nghị thượng đỉnh Sochi dự kiến diễn ra vào cuối tháng này bị đe dọa hủy bỏ. Đây là một đòn giáng mạnh đối với uy tín của điện Kremlin.

Chính quyền Obama thể hiện hài lòng về việc phương Tây đã thống nhất đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga ở hiện tại và cả trong tương lai. Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết, không có nhiều bất đồng tại cuộc họp về Nga và trong việc đưa ra những hành động cần thiết nhằm hỗ trợ Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức đã liên hệ với ông Putin và các quan chức khác của Nga để thảo luận và đưa ra biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, họ đã nhận được lời từ chối hợp tác thẳng thừng từ Moscow.

Nga bị loại khỏi nhóm G8 - 2

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại The Hague

Nga cho rằng, Crimea thuộc lãnh thổ của Nga từ thế kỷ 18 và được đặt trong chủ quyền của Ukraine vào  năm 1954 do nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev S. thực hiện như một cử chỉ thiện chí của Liên Bang Xô Viết. Moscow cho biết, việc can thiệp quân sự của nước này tại Ukraine chỉ nhằm bảo vệ người dân nói tiếng Nga từ những người dân tộc Ukraine đã lật đổ vị Tổng thống thân Nga trước đó.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên án sự xâm nhập quân sự này và cho đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm cả những thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về việc tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Về phía Nga, khi bị loại khỏi G8, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, Moscow không cần phải bám theo nhóm G8 khi mà các vấn đề lớn trên Thế giới có thể được thảo luận tại các diễn đàn khác ví dụ như G20.

Trong một cuộc họp báo tại The Hague, ông Lavrov cho biết: "G8 là một tổ chức không chính thức và không phát hành bất cứ thẻ thành viên nào, cũng như theo định nghĩa của nó thì G8 không thể loại bỏ bất cứ ai”. Ông cũng nhấn mạnh: “Nếu các đối tác phương Tây của chúng ta tin rằng hình mẫu này đã mệt mỏi với chính nó, thế thì hãy cứ như vậy. Chúng ta sẽ không theo đuổi nó”.

Ngoại trưởng Nga còn cho rằng, tất cả các vấn đề tài chính và kinh tế được quyết định tại G20, còn G8 có mục đích tồn tại như một diễn đàn giữa các nước phương Tây hàng đầu với Nga. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Bình (Theo NYTimes, RT) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN