Nếu Thủ tướng yêu cầu, sẽ sửa CMND

"Trước mắt Bộ sẽ vẫn thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, tiếp tục cấp chứng minh có ghi tên cha mẹ. Nếu Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 170 và 05, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp làm một nghị định theo quy trình rút gọn để sửa".

Đó là ý kiến đại tá Vũ Xuân Dung, Phó cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết ngày 23/1.

Theo ông Dung, trước mắt sẽ vẫn thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, tiếp tục cấp chứng minh có ghi tên cha mẹ. Nếu Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 170 và 05, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp làm một nghị định theo quy trình rút gọn để sửa.

Thẻ chứng minh chỉ là đầu ra, toàn bộ các dữ liệu đã được cập nhật, khi có yêu cầu sửa bỏ tên cha mẹ, Bộ Công an chỉ sửa lại mẫu và in ra cấp cho công dân, không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.

Hiện, Bộ đã cấp được gần 30.000 chứng minh nhân dân mới ở 3 quận, huyện của Hà Nội và cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân.

Nếu Thủ tướng yêu cầu, sẽ sửa CMND - 1

Bộ đã cấp được gần 30.000 chứng minh nhân dân mới ở 3 quận, huyện của Hà Nội và cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân

Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu CMND mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012. Theo đó CMND mới là thẻ nhựa kích thước 85,6 mm x 53,98 mm, mặt trước có những thông tin cơ bản của công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú.

Đáng chú ý, mặt sau của CMND mới ngoài dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng… còn có nêu nội dung đặc điểm thân nhân gồm: "Họ và tên cha; Họ và tên mẹ".

Hình của công dân được in màu trực tiếp lên CMND. Về nội dung, số CMND sẽ có 12 số thay vì 9 số như trước.

Lý giải về việc này, ông Dung phân tích: "Mỗi công dân có rất nhiều loại giấy tờ, rất nhiều loại sổ, khi nghiên cứu mã số này, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành thống kê, nghiên cứu hoạch địch xây dựng một mã công dân. Mã này phối hợp với hộ khẩu, hộ tịch, và chứng minh nhân dân dùng chung một. Mã 12 số mới quy định hết tất cả mọi thứ được".

Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi các cơ quan Sở địa chính, ngân hàng... chúng tôi không thấy có phản ánh gì về việc các cơ quan gây khó khăn cho người dân", ông Dung nói.

Tuy nhiên, quy định việc ghi tên cha mẹ vào CMND mới đã không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia pháp lý và dư luận.

Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), sau khi nghiên cứu quy định cho phép đưa tên cha mẹ lên CMND, cục đã phát hiện điều này trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989.

Hơn nữa, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư thì người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha và nếu thủ tục hành chính yêu cầu ghi tên cha mẹ đứa bé thì sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại điều này.

Trước phản ứng của dư luận, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - có ý kiến chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) tạm dừng triển khai Thông tư số 27.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiếu Lam (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN