Nếu làm theo cách cũ, hoàn thiện metro mất cả 100 năm
Tuyến Metro số 1 với 20 km nhưng từ khâu chuẩn bị triển khai đến nay, TP HCM đã mất 15, 16 năm. Nếu làm theo cách này thì 200 km còn lại có lẽ cần 50-70 năm, thậm chí 100 năm...
Ngày 15-12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Đây cũng là buổi họp đầu tiên của Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM sau khi thành lập.
Phiên họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 và Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM ngày 15-12; Ảnh: Nguyễn Phan
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin về tiến độ hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị thành phố.
Cơ sở quan trọng đề xuất cơ chế mới
Ông Phan Văn Mãi cho biết theo quy hoạch, thành phố có khoảng 220km đường sắt đô thị. Quy hoạch này đã có gần 20 năm nay. Riêng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) với gần 20 km từ khâu chuẩn bị triển khai đến nay đã 15, 16 năm.
"Nếu làm theo cách này, chúng ta chuẩn bị cần 5-7 năm, xây dựng cũng 5-7 năm thì 200 km còn lại có lẽ cần 50-70 năm, thậm chí 100 năm. Đó là việc không thể chấp nhận"- Chủ tịch UBND thành phố nói.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết vừa qua Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đến năm 2035, TP HCM cần cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để TP HCM đề xuất các cơ chế mới.
Đó là các đoạn, tuyến còn lại của hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn TP HCM có thể làm trước, có thể làm sau nhưng phải cùng nằm trong một đề án, áp dụng một cơ chế, chính sách.
Đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM sẽ hoàn thiện trong năm nay để trình Thành ủy, HĐND thành phố trong năm sau, trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
"Dự kiến, đề án sẽ được báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 2 hoặc tháng 3-2024. Sau đó, các cơ quan sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa vào chương trình nghị sự tại kỳ họp giữa năm 2024"- Chủ tịch UBND TP HCM nêu rõ.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay địa phương chỉ còn 12 năm để hoàn thiện cơ bản mạng lưới đường sắt đô thị 220km. Do đó, TP HCM cần có cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đủ lớn, có thể vượt trần nợ địa phương để tập trung đầu tư.
Mặt khác, theo ông Phan Văn Mãi, các đô thị trong nước sẽ phát triển đường sắt đô thị trong tương lai. Do đó, cần phát triển ngành đường sắt đô thị chứ không chỉ thuê mua thiết bị, công nghệ nước ngoài để làm một dự án rồi sau đó tiếp tục phải thuê mua
Đã ban hành 22 nghị quyết thực hiện Nghị quyết 98
Về tiến độ chung thực hiện Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để cụ thể hóa các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù.
Đến nay, Thủ tướng đã ban hành một quyết định có liên quan việc triển khai Nghị quyết 98. Trong tháng này, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính dự kiến hoàn thành hai nghị định liên quan còn lại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục có hướng dẫn cho TP HCM về các nội dung liên quan đến điện mặt trời áp mái, tín chỉ carbon.
Về phía TP HCM, tính đến nay, HĐND thành phố đã ban hành 22 nghị quyết trong số 26 nghị quyết thuộc thẩm quyền. Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận chỉ sau 4 tháng, những việc thuộc thẩm quyền của TP HCM để cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã cơ bản được triển khai.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM khẳng định đang điều hành chủ động các đầu việc để thúc tiến độ thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Nguồn: [Link nguồn]