Nếu có luật sư từ đầu, ông Chấn đã không bị oan

"... Khi cơ quan điều tra lấy lời khai của ông Chấn... nếu như có luật sư ở đó, điều tra viên muốn ép cung, mớm cung cũng không thể làm được" - luật sư bào chữa cho ông Chấn nêu quan điểm.

“Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) nếu như có luật sư tham gia từ khi khởi tố bị can thì sẽ không xảy ra việc đáng tiếc như vậy” - luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn trong 2 phiên tòa xét xử (sơ và phúc thẩm) khẳng định với phóng viên NTNN.

Trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, với tư cách luật sư bào chữa, ông bắt đầu tham gia từ giai đoạn nào?

- Tôi là luật sư do tòa án chỉ định, thời gian không có nhiều. Khi hồ sơ chuyển sang tòa để chuẩn bị xét xử, tôi mới tham gia. Trong vụ án của ông Chấn có duy nhất tôi là luật sư bào chữa cho bị cáo.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự với những vụ án mà bị can, bị cáo ở tội có khung hình phạt cao nhất thì người bào chữa bắt buộc phải được tham gia từ giai đoạn đầu, tại sao đến giai đoạn ra tòa, ông mới được mời?

- Đúng là luật định với những bị can, bị cáo ở tội có khung hình phạt cao nhất của Bộ luật Hình sự thì phải có người bào chữa tham gia từ giai đoạn đầu của vụ án. Tuy nhiên đây là quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi năm 2003 và có hiệu lực thi hành năm 2004. Còn trong vụ án của ông Chấn, lúc đó đang áp dụng Bộ luật Tố tụng năm 1999, khi đó chưa có quy định bắt buộc phải có người bào chữa tham gia từ đầu với bị can, bị cáo về tội có khung hình phạt cao nhất.

Đặt giả thiết lúc đó ông hay luật sư nào đó được tham gia vào vụ án của ông Chấn ngay ở giai đoạn đầu, liệu có xảy ra án oan?

- Nếu vụ án của ông Chấn có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố bị can, có lẽ đã không xảy ra vụ việc đáng tiếc như hiện nay.

Tại sao tôi nói vậy, bởi bao giờ khám nghiệm hiện trường và điều tra người ta phải tách riêng. Ví dụ khi cơ quan điều tra lấy lời khai của ông Chấn, ông quật thế nào, ông đâm ra sao… sau đó đem đối chiếu lại với hiện trường để đảm bảo khách quan. Nếu như có luật sư ở đó, điều tra viên muốn ép cung, mớm cung cũng không thể làm được.

vụ án oan nguyễn thanh chấn

Ông Nguyễn Thanh Chấn đoàn tụ cùng gia đình.

Ông thấy chứng cứ buộc tội ông Chấn tại phiên tòa ra sao?

- Chứng cứ vụ án mà các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đưa ra là trong thời gian xảy ra vụ án, ông Chấn khai đến nhà một người dân gần đấy múc nước. Thực nghiệm điều tra chỉ hết 15 phút nhưng nhân chứng khai khoảng 30 phút. Vậy còn 15 phút nữa, ông Chấn đi đâu? Thứ hai là thực nghiệm điều tra cho thấy ông Chấn thực hiện rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Thứ ba là ông Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất rõ ràng. Thứ tư là tại hiện trường có dấu vết chân và ướm vết chân ông Chấn thấy phù hợp.

Ông đã bào chữa cho bị cáo và phản bác lại các chứng cứ buộc tội thế nào?

- Tranh luận tại tòa, tôi đã bác lại các chứng cứ trên vì lỏng lẻo và không có hồ sơ gốc, toàn mang tính chất suy diễn. Thời gian ông Chấn đi múc nước theo các nhân chứng đều mang tính áng chừng. Còn việc bị cáo miêu tả đồ dùng trong nhà một cách rất thành thục là bởi vì nhà bị cáo và bị hại gần nhau cho nên đây là việc bình thường. Thứ ba, dấu chân mô tả chỉ là gần khớp, trong khi dấu chân khác với dạng nhận diện vân tay, không đủ cơ sở khẳng định.

"Cơ quan điều tra có đưa ra tình tiết khi khám hiện trường có 4 dấu vết vân tay nghi là máu, nhưng khi giám định không khẳng định của ai. Tôi đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cụ thể xem dấu vân tay kia có phải của ông Chấn không, nhưng không được tòa chấp nhận”.Luật sư Nguyễn Đức Biền

Mặt khác, vào thời điểm xảy ra vụ án, có người chứng kiến ông Chấn có gọi điện thoại tại nhà cho một ai đó (nhà ông Chấn mở dịch vụ điện thoại công cộng). Đây được xem là một chứng cứ ngoại phạm, song sau này không được xem xét.

Ông nghĩ sao khi bị đánh giá ông đã thất bại trong tư cách người bảo vệ cho thân chủ của mình và bỏ qua vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai?

- Qua 2 phiên tòa với tư cách là luật sư bào chữa, tôi đã đưa ra những chứng cứ, lập luận để kêu oan cho ông Chấn, nghĩa là làm hết khả năng của mình nhưng kết quả là thất bại. Sau đó, tôi vẫn hướng dẫn cho anh Thân Ngọc Hoạt (anh em đồng hao của ông Chấn) tiếp tục làm đơn khiếu nại lên giám đốc thẩm.

Một lý do nữa là chỉ ít tháng sau phiên tòa, tôi đã chuyển sang công việc khác không làm luật sư nữa (hiện ông Biền là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ 19/5 Bắc Giang – PV). Tôi vẫn tư vấn, giúp viết đơn, đưa ra chứng cứ để gia đình ông Chấn kêu oan suốt thời gian qua. Gia đình ông Chấn, đặc biệt là anh Hoạt, vẫn rất tin tưởng tôi, vì trong vụ án này tôi bào chữa chỉ định, không phải do gia đình thân chủ mời.

- Xin cảm ơn luật sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN