Nếu biết thôi miên, tội gì làm kẻ trộm cướp

Nhiều người dại dột nên bị mất tiền. Xấu hổ nên họ đành bịa chuyện bị thôi miên. Đôi khi, trò được gọi là thôi miên chỉ là chiêu đánh tráo “nhanh tay, nhanh mắt”.

Xấu hổ nên sáng tác “cổ tích”

Khoảng 1 năm trước, bà Nguyễn Thị T. (sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến trụ sở công an một phường trên địa bàn trình báo mình bị thôi miên. Bà T. kể rằng đang đi chợ thì gặp 2 đối tượng (1 nam, 1 nữ) chặn lại hỏi đường.

Hai đối tượng bắt chuyện rồi tán hươu tán vượn. Một lúc bà T. mê đi, không còn biết gì nữa. Một lúc sau tỉnh lại, cặp nam nữ đã đi đâu mất. Bà T. kiểm tra lại thấy mất đôi hoa tai và tiền mặt khoảng 1 triệu đồng.

Khi đó, công an phường đã đề nghị Công an quận Thanh xuân phối hợp điều tra. Thông qua nhân chứng cũng như thuyết phục, cơ quan công an mới làm rõ sự thật. Hôm đó, đang đi, bà T. nhìn thấy một đôi nam nữ đang cò kè qua lại giữa đường. Hiếu kỳ nên bà dừng lại xem. Nam thanh niên nói rằng, anh ta kiếm được một loại thuốc dân tộc chữa được bệnh nan y. Gói thuốc có giá rất đắt.

Đối tượng nữ tỏ ra rất thiết tha và năn nỉ được mua gói thuốc. Nhưng vì không đủ tiền nên cô ta xin anh ta hạ giá. Anh ta không chịu nên người phụ nữ quay qua nói với bà T: "Cô có tiền mua thuốc giúp cháu. Nếu không anh ta đi mất. Nhà cháu gần đây. Cô cứ cầm thuốc, cháu chạy về nhà lấy tiền quay lại trả cô."

Bà T. tin lời, cầm thuốc đứng đợi mãi mà không thấy ai quay lại. Tiếc của, bà X. cầm gói thuốc giới thiệu với một vài người hòng gỡ gạc nhưng không ai đồng ý mua lại.

Về nhà, con cháu thấy bà T. thiếu đôi hoa tai, vẻ mặt đờ đẫn nên hỏi chuyện. Mắc cỡ vì sự dại dột của mình, bà T. đành nghĩ ra câu chuyện thôi miên. Rồi bà T. làm đơn trình báo công an với nội dung hoang đường như trên.

Nếu biết thôi miên, tội gì làm kẻ trộm cướp - 1

 Đôi khi, trò được gọi là thôi miên chỉ là chiêu đánh tráo “nhanh tay, nhanh mắt”. Ảnh minh họa

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị T. không phải là duy nhất. Theo một cán bộ cảnh sát hình sự chuyên điều tra phá án tại Hà Nội, rất nhiều người mất của nhưng vì nguyên nhân khó nói nên đành bịa chuyện với hy vọng cho qua.

Người mất tiền vì dại dột. Kẻ vì hám lợi bị lừa. Gặp một kẻ rao bán đồ trân quý với giá rẻ, tưởng mình trúng món hời lớn. Ai ngờ, khi tên ma cô đi rồi mới nhận ra, thứ mình vừa mua không có giá trị gì. Xấu hổ, nạn nhân trở thành "nhà sáng tác truyện cổ tích".

Mất cảnh giác, tưởng bị thôi miên

Cũng theo viên cảnh sát này, nhiều người bị lừa lấy mất tiền mà vẫn tưởng mình bị thôi miên. Thực chất, đó chỉ là chiêu trò "nhanh tay, nhanh mắt" giống các nhà ảo thuật vẫn thường làm. Bọn ma cô đánh tráo tiền bởi sự mất cảnh giác của nạn nhân. Có nhiều chiêu đánh tráo nhưng phổ biến nhất vẫn là đổi ngoại tệ hoặc mua hàng.

Viên cảnh sát này nhớ, cách đây ít lâu, có vụ tráo tiền khá đơn giản bằng cách đặt mua hàng qua điện thoại. Đối tượng gọi đến một cửa hàng bán điều hòa đặt mua một chiếu loại đắt tiền.

Người khách bảo cửa hàng đưa máy đến một ngôi biệt thự có địa chỉ cụ thể. Gã nói rằng, mua máy điều hòa tặng sếp vừa xây nhà. Thực chất ngôi biệt thự lúc đó không có ai ở nhà và người khách đứng sẵn trước cổng.

Khi nhân viên đưa hàng đến, người khách trả tiền đàng hoàng. Nhân viên kiểm tra, đếm tiền đầy đủ cất vào túi. Lúc này, khách xem hàng và buông lời chê bai: "Đây là hàng trưng bày, sao lại bán cho khách? Làm ăn gian dối quá. Thôi không lấy nữa đâu."

Khách đòi lại tiền và vẫn cho nhân viên giao hàng một vài trăm nghìn vì công đi lại vất vả. Nhân viên đành trả lại tiền và khách cất trở lại túi. Khi nhân viên chuẩn bị chở hàng quay về, khách liền nghĩ lại: "À mà thôi. Đằng nào cũng thế rồi. Thôi để hàng lại đây vậy."

Anh nhân viên nghe vậy thấy nhẹ nhõm, lại đặt hàng xuống. Người khách đưa tiền trở lại. Nhưng thực chất, tập tiền lần này đã bị đánh tráo. Chỉ mấy tờ phía ngoài là đúng mệnh giá trước đó, còn ở trong toàn là giấy hoặc tiền giả có màu tương tự. Nhân viên giao hàng chủ quan không đếm lại nữa.

Theo cán bộ điều tra này, việc đổi ngoại tệ cũng thường diễn ra kỳ kèo, trao đi đưa lại như thế rồi đối tượng đánh tráo. Nhưng số tiền chiếm đoạt từ các trò ảo thuật đánh tráo thường không lớn. Nhiều nhất chỉ khoảng vài ba chục triệu.

Viên cảnh sát điều tra cho biết, đến nay, ông chưa thấy có vụ thôi miên lừa tiền nào tại Hà Nội. Theo ông, nếu có khả năng thôi miên như thế, những đối tượng này có thể làm nhiều công việc đàng hoàng kiếm tiền rất dễ dàng.

“Không ai dại gì phí tài năng kiếm mấy đồng lặt vặt mà lại phạm pháp, có thể bị bắt đi tù bất cứ lúc nào.” – Cán bộ cảnh sát hình sự nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN