Nên tổ chức giao thông thế nào trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn?

PGS.TS Vũ Hoài Nam đề xuất cho phép xe vượt tại đoạn hai làn có tầm nhìn tốt, thay vì chỉ bố trí tại điểm bốn làn xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Kết nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư. Giai đoạn một, khoảng 85 km được thiết kế hai làn có vạch liền màu vàng cấm vượt, cấm lấn làn. Cách khoảng 10 km lại có đoạn vượt 1-1,5 km bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Ôtô được chạy 60-80 km/h tại đoạn hai làn, tối đa 80 km/h tại đoạn bốn làn.

Đánh giá về phương án tổ chức giao thông hiện nay trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng Hà Nội, phân tích đường có lề (mỗi bên 2,5 m), vạch liền cấm vượt nên lái xe đi tốc độ nhanh hơn các đường hai làn thông thường. Tuy nhiên, việc bố trí vạch liền cấm vượt hầu hết tuyến gây giảm năng lực thông hành, chỉ đạt khoảng 60%.

Cấm vượt trong đoạn đường dài gây ức chế cho người lái khi phải đi tốc độ thấp, nhất là đi sau xe tải tốc độ khoảng 50 km/h, không thể vượt trong khi làn đối diện vắng xe. Điều này dẫn đến khả năng lái xe bất chấp nguy hiểm hoặc phạm luật để vượt. "Trong bối cảnh cao tốc mới chất lượng đường tốt, không có camera giám sát, ít cảnh sát giao thông thì việc quy định cấm vượt đoạn hai làn xe sẽ không hiệu quả, lái xe vẫn cố tình vi phạm", ông Nam nói.

Theo TS Nam, vạch liền cấm vượt chỉ nên áp dụng tại đèo dốc, đường cong để hạn chế xe vượt thiếu an toàn. Tại đoạn đường thoáng, có tầm nhìn tốt, nhà chức trách cần bố trí vạch nét đứt để xe sau có thể vượt xe trước. Chiều dài các đoạn nét đứt cho phép vượt cần đảm bảo đủ tầm nhìn vượt xe theo tốc độ khai thác.

Xe khách lấn làn, vượt xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Võ Thạnh

Xe khách lấn làn, vượt xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Võ Thạnh

Tại các điểm vượt xe bốn làn, ông Nam nói theo đúng Luật Giao thông đường bộ xe sau vượt bên trái (làn số 1), song thực tế nhiều xe tải lưu thông trên làn này, khiến xe sau không thể vượt trái mà đành vượt phải, gây mất an toàn. Để khắc phục, nhà chức trách nên cắm biển báo xe tải nặng đi sang làn bên phải (làn số 2) để dành làn số 1 cho xe sau vượt. Tại những đoạn lên dốc, cần cấm xe tải vượt nhau mà chỉ cho phép xe con 4-7 chỗ vượt sau khi được tính toán kỹ càng.

Phân tích bối cảnh vụ tai nạn hôm 18/2 làm ba mẹ con trên xe 7 chỗ tử nạn, ông Vũ Hoài Nam cho rằng khoảng cách đoạn bốn làn cho phép vượt là 1,5 km, đủ chiều dài cho xe vượt. Tuy nhiên, có khả năng xe 7 chỗ đã vượt xe container bên phải và tăng tốc gần cuối đoạn được vượt. Khoảng cách này có thể không đủ dài và an toàn để xe 7 chỗ trở lại làn chính trước xe container.

Để tránh tai nạn tương tự, nhà chức trách cần cắm thêm biển báo đoạn nào được vượt, đoạn nào không để lái xe tuân thủ; hoặc biển báo khoảng cách từ điểm hết đường bốn làn đến vị trí thông qua các biển chỉ cự ly để tài xế có thể ước lượng cự ly còn lại có thể vượt hay không. Biển báo này giống như tại nút giao có đèn tín hiệu cảnh báo sắp hết thời gian cho người đi bộ qua đường.

Cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ từng vị trí đèo dốc, đường bằng phẳng trên cao tốc để bố trí khoảng cách được vượt xe. Ví dụ đường độ dốc lớn thì đoạn vượt, đoạn vuốt nối cần dài hơn. Các đoạn vượt nên đặt ở nơi độ dốc nhỏ, taluy đắp thấp để tăng cường an toàn.

Khoảnh khắc xe 7 chỗ vượt ẩu gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 18/2. Video: Võ Thạnh - Huy Mạnh

TS Nam lưu ý không nên kết hợp đoạn vượt với làn dừng khẩn cấp để tạo thành ba làn xe mỗi chiều, do các xe vào làn dừng khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến các xe đang vượt nhau gây nguy hiểm. Người lái ít kinh nghiệm có thể hiểu lầm có tới hai làn vượt phía bên phải. Việc sử dụng làn số 3 vượt rất nguy hiểm do đoạn vuốt trở về làn số 1 ngắn.

Do cao tốc hai làn xe là dạng đường mới ở miền Trung, khác mô hình cao tốc thông thường nên Bộ Giao thông Vận tải, các Ban An toàn giao thông địa phương cần tăng cường hướng dẫn kỹ năng lái xe, nhất là vượt xe an toàn cho người dân. "Với hiện trạng hạ tầng cao tốc hai làn xe còn bất cập thì cơ quan chức năng cần khảo sát, tính toán kỹ từng đoạn theo địa hình để tổ chức giao thông hợp lý, không nên áp dụng quy tắc cứng nhắc trên cả tuyến", ông Nam nói.

Th.s Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông (Đại học Giao thông Vận tải), bày tỏ lo ngại với thiết kế nhập hai làn và một làn từ nút giao vào cao tốc, như vậy ba làn đường nhập làm một với độ dài đoạn vuốt chỉ vài chục mét. Tại Mỹ, đoạn vuốt này thường dài 200-300 m để người lái đủ thời gian chuyển làn. "Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế chiều dài đoạn vuốt từ hai làn song song, ba làn thành một nên người thiết kế thường áp theo độ dài đoạn vuốt từ đường nhánh vào cao tốc chỉ vài chục mét", ông Tuấn nói.

Tại đoạn vượt bốn làn xe đã có trên cao tốc hai làn xe, ông Tuấn đề nghị có biển yêu cầu giảm tốc độ 10 km và cưỡng bức đi sang làn phải với xe tải, xe container, dành làn trái cho xe muốn vượt. Đơn vị tổ chức giao thông cần xem xét bố trí thêm điểm vượt xe trên đường hai làn tại các vị trí thông thoáng để giảm ức chế cho tài xế, từ đó giảm thiểu hành vi sai luật.

Một đoạn vuốt từ đường bốn làn sang hai làn ở phường Hương Hồ, TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Một đoạn vuốt từ đường bốn làn sang hai làn ở phường Hương Hồ, TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Để lái xe an toàn, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nói cao tốc là loại hình giao thông mới tại miền Trung, cho phép chạy tốc độ cao, bởi vậy người lái xe cần có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và sự tỉnh táo tập trung, tình trạng phương tiện tốt, biết chỗ nào dừng, chỗ nào ra khỏi cao tốc. Người lái mới, xe mới, chạy đường mới phải thận trọng.

Người lái cần chủ động thực hành đúng quy tắc giao thông vì tất cả đặt ra đều có lý do và nhằm bảo đảm an toàn của người lái, cho xã hội. Đặc biệt là quy tắc giữ khoảng cách, tuân thủ tốc độ, chuyển làn, chuyển hướng, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Những người chưa từng lái trên cao tốc nên có người lái xe kinh nghiệm bổ túc.

Người trên xe phải luôn thực hành thắt dây an toàn vì chúng có thể giảm 45% chấn thương nghiêm trọng và giảm 75% rủi ro tử vong. Tỷ lệ thắt dây an toàn tại Việt Nam hiện dưới 20%, người ngồi hàng ghế dưới thường không thắt dây. Tài xế cần bảo đảm tất cả thành viên trên xe thắt dây an toàn trước khi khởi hành.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết cao tốc Cam Lộ - La Sơn được xây dựng theo thiết kế, thậm chí biển cảnh báo được lắp đặt nhiều hơn tiêu chuẩn hiện hành QCVN 41:2019 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Mặt đường có các vạch sơn, mũi tên báo hiệu, biển báo hiệu đường thắt hẹp cách điểm kết thúc đường đôi (hết dải phân cách giữa) 150 m.

Sau khi có chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án và Cục Đường bộ Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu điều chỉnh các điểm bất cập trên cao tốc.

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thực sự lo ngại khi lưu thông trên tuyến cao tốc hai làn xe Cam Lộ-La Sơn và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông cần quan tâm đặc biệt các điểm thường xảy ra tai nạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đoàn Loan ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN