Nên thưởng tiền cho người cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông?

Sự kiện: Thời sự

Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã tiếp nhận hàng trăm thông tin, hình ảnh, clip về các trường hợp vi phạm giao thông do người dân cung cấp.

Sau hơn 1 năm Thông tư 65 của Bộ Công an có hiệu lực (từ ngày 5/8/2020), CSGT được người dân cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh vi phạm và đây là căn cứ hữu ích để xác minh, xử “phạt nguội” vi phạm giao thông.

Không ít ý kiến cho rằng, để khuyến khích người dân tích cực tham gia hơn, cần có cơ chế phù hợp.

Để bạn gái ngồi sau dùng chân lái xe, còn bản thân dùng hai tay nhắn tin trên điện thoại (ảnh trái), nam tài xế đã bị xử phạt

Để bạn gái ngồi sau dùng chân lái xe, còn bản thân dùng hai tay nhắn tin trên điện thoại (ảnh trái), nam tài xế đã bị xử phạt

Tiếp nhận, xử phạt hàng trăm vi phạm

Giữa tháng 8, trang Facebook Công an TP Hà Nội nhận được clip phản ánh của người dân ghi lại hình ảnh một nam thanh niên vừa đi xe vừa nhắn tin điện thoại, để người bạn gái ngồi sau dùng chân điều khiển xe.

Tiến hành xác minh, Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đã phối hợp với Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Phúc Thọ làm rõ người điều khiển xe là L.H.C. (SN 1998; trú tại Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Tại cơ quan Công an, anh C. khai nhận khoảng 22h30 ngày 9/7/2021, tại QL32, thị trấn Phúc Thọ, anh C. đã chở bạn gái phía sau rồi thực hiện hành vi vi phạm như trong clip.

Ngày 22/8, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã quyết định xử phạt anh C. tổng số tiền 9,2 triệu đồng với nhiều lỗi như xe không có gương chiếu hậu; không đội mũ bảo hiểm; buông cả 2 tay khi đang điều khiển xe...

Trước đó, ngày 30/6, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục CSGT tiếp nhận hình ảnh phản ánh của người dân về việc xe ô tô tải BKS 98C-120.5x đi ngược chiều trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào lúc 6h ngày 30/6.

Tiến hành xác minh, cảnh sát đã mời lái xe ô tô BKS 98C-120.5x là Nguyễn Trọng H. (SN 1984, trú tại Đa Mai, TP Bắc Giang) lên làm việc. Anh H. thừa nhận đã đi quá nút ra cao tốc, nên quay đầu xe lại để đi ngược chiều. Lái xe H. đã bị phạt 17 triệu đồng vì lỗi vi phạm trên, bị tước giấy phép lái xe 6 tháng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã tiếp nhận hàng trăm thông tin, hình ảnh, clip về các trường hợp vi phạm giao thông do người dân cung cấp hoặc đăng tải trên báo chí, mạng xã hội.

Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội tuyên truyền, khám nghiệm giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, tất cả những thông tin về vi phạm giao thông được người dân phản ánh từ trực tiếp đến qua mạng xã hội, qua báo chí đều được cơ quan chức năng tiếp nhận và xem xét.

Sau khi xác định được vi phạm, CSGT sẽ mời người vi phạm lên lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt.

Khuyến khích người dân cung cấp thông tin

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Cục CSGT nhìn nhận, việc người dân cung cấp hình ảnh, video về vi phạm giao thông cho lực lượng CSGT rất hiệu quả, vì cập nhật được những thông tin “nóng”, giúp lực lượng chức năng vào cuộc xử lý ngay.

“Hầu hết các vụ việc vi phạm giao thông, nóng trên mạng xã hội, khi người dân cung cấp cho lực lượng CSGT thì đều được xác minh xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm”, Đại tá Nhật nói.

Bày tỏ cảm ơn tới những thông tin, hình ảnh mà quần chúng nhân dân đã cung cấp, Đại tá Nhật cho biết, Cục CSGT khuyến khích người dân khi tham gia giao thông nếu phát hiện và có thông tin về vi phạm giao thông thì cung cấp cho lực lượng CSGT trên địa bàn, thông qua số điện thoại liên lạc trực ban của Cục CSGT và Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Lực lượng CSGT sẽ có trách nhiệm bảo mật thông tin về người cung cấp theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông, nhất là các vụ tai nạn, va chạm rồi bỏ trốn đã và đang hỗ trợ rất hiệu quả cho lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

“Hệ thống camera an ninh của cơ quan chức năng chưa phủ sóng toàn bộ các tuyến đường và không phải lúc nào lực lượng CSGT cũng bố trí khắp các nơi. Kêu gọi người dân cùng tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự là cách làm để “phủ sóng” những điểm trống đó”, luật sư Cường nói và cho rằng, để khuyến khích người dân tích cực tham gia, cần có các hình thức động viên, khen thưởng, chẳng hạn như tổ chức các đợt trao thưởng, tặng tiền.

Đồng tình kiến nghị cần có cơ chế khuyến khích người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông và các vi phạm khác cho lực lượng chức năng, Trung tá Trần Quang Vinh chia sẻ thêm, hiện nay, đa phần các chủ xe đều gắn camera hành trình trên ô tô của mình. Những hình ảnh từ hệ thống camera này rất hữu ích đối với công tác xử lý vi phạm giao thông, điều tra tai nạn và các vi phạm khác.

“Chúng tôi kêu gọi các chủ xe gửi cho cơ quan chức năng những hành vi vi phạm của các tài xế khi lưu thông trên đường”, Trung tá Vinh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

NÓNG: Dùng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phạt nặng người vi phạm giao thông tái phạm

Theo đó, lực lượng CSGT TP HCM sẽ tập trung vào nhóm tài xế điều khiển xe mô tô, ôtô con, ôtô chở khách, ôtô tải, xe...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN