Nên mở lại đường bay quốc tế ngay từ đầu tháng 12-2021

Sự kiện: Tin nóng

Nhiều ý kiến cho rằng cần mở lại các đường bay quốc tế sớm nhất có thể vì các nước đã làm và nhu cầu đi lại của người dân cũng rất cao, nhất là dịp tết.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 25-11, trong chuyến thăm tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nobuhiko Sasaki, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản. Ông Sasaki đã kiến nghị với Thủ tướng một số vấn đề, trong đó có việc mở lại đường bay từ Việt Nam đến Nhật Bản. Thủ tướng thông tin Việt Nam dự kiến mở lại các đường bay quốc tế thường lệ từ đầu tháng 12.

Nhu cầu rất lớn

Tuy nhiên, trước đó ngày 8-11, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ thì lại đề xuất thời gian mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ muộn hơn ý kiến của Thủ tướng. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất ba giai đoạn mở lại, lần lượt giai đoạn 1 dự kiến từ quý I-2022, giai đoạn 2 từ quý II-2022 và giai đoạn 3 từ quý III-2022 mới mở hoàn toàn.

Các hãng hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Ảnh: VIẾT LONG

Các hãng hàng không Việt Nam sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Ảnh: VIẾT LONG

Ngày 26-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng việc nối lại đường bay thường lệ quốc tế vào đầu tháng 12 như đề cập của Thủ tướng là rất kịp thời và phù hợp.

Theo ông Cường, nhu cầu người dân Việt Nam về nước rất lớn, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trước đó, cục đã nhiều lần xây dựng kế hoạch mở lại đường bay nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp phải tạm hoãn.

Ông Cường nói: “Hiện chúng ta không theo đuổi quan điểm zero-COVID mà chung sống an toàn nên việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế là cần thiết. Nhiều quốc gia đã nối lại đường bay, chúng ta không thể đóng cửa mãi được”.

Để sớm mở lại đường bay, ông Cường cho rằng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế cần phải cấp tốc tổ chức họp với các bộ, ngành, sớm đưa ra quy trình nhập cảnh thống nhất. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay cần bàn là việc công nhận hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia và quy định cách ly y tế sau nhập cảnh.

“Quá trình đàm phán với các thị trường mục tiêu, họ thống nhất là Việt Nam cách ly như thế nào thì họ sẽ thực hiện cách ly tương tự. Hiện Thái Lan, Singapore đã bỏ quy định cách ly đối với người tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh COVID-19, nếu chúng ta cũng gỡ bỏ được là điều tốt. Còn cách ly thì phải tính phương án thế nào, địa điểm ở đâu, việc này cần Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế quyết định...” - ông Cường phân tích.

Theo ông Cường, sau khi Bộ Y tế có quy trình và điều kiện nhập cảnh, Cục Hàng không mới có thể đàm phán với các quốc gia để thống nhất điều kiện và tần suất bay. Ngành hàng không và các hãng rất mong sớm mở lại đường bay này, chỉ cần có quy trình nhập cảnh là cho nối lại ngay.

Về thị trường mở lại đường bay thường lệ quốc tế, ông Cường khẳng định quan điểm của Việt Nam là quốc gia nào kiểm soát được dịch tương đồng thì mở đường bay tới. Bởi lẽ đường hàng không rất thuận tiện, chỉ cần đủ điều kiện là nối đường bay ngay.

Lợi đủ đường

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế là vấn đề cấp thiết. Các nước xung quanh Việt Nam đều đã mở cửa đường bay và họ có quy định về y tế thoáng hơn chúng ta.

Chẳng hạn, Việt Nam quy định phải cách ly bảy ngày nhưng Thái Lan chỉ yêu cầu có hộ chiếu vaccine và xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay. Có nghĩa là khách du lịch đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 là có thể đi khắp nơi.

“Tôi cho rằng nếu đã tiêm đủ liều vaccine và xét nghiệm âm tính là an toàn và không cần cách ly bảy ngày. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, chúng ta cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất, năng lực điều trị…” - PGS-TS Nguyễn Huy Nga nói.

Là sân bay đón nhiều chuyến bay quốc tế, ngay cả trong giai đoạn dịch bùng phát, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), cũng ủng hộ chủ trương này.

Ông Sáu cho rằng đơn cử việc mở đường bay hai chiều Việt - Nhật sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất, công tác chống dịch tại Nhật rất hiệu quả, có ngày còn vài chục ca nhiễm. Thứ hai, qua quan sát khách Nhật có ý thức tuân thủ cao, luôn chấp hành các hướng dẫn phòng chống dịch rất tốt. Thứ ba, đây là đường bay có lượng khách lớn, luôn bận rộn và đem lại doanh thu tốt mà bất kể hãng hàng không nào cũng muốn bay.

Còn theo ông Võ Huy Cường, hiện công dân Việt Nam đang được bố trí về nước trên chuyến bay cứu hộ. Đây là các chuyến bay combo (hình thức trọn gói) trả phí cách ly tại khách sạn nên giá vé khá cao, gây khó khăn cho công dân muốn về nước vì thông thường máy bay chỉ chở khách một chiều. Nếu sớm mở lại đường bay thường lệ quốc tế, giá sẽ thấp hơn và các hãng cũng sẽ có các chương trình khuyến mãi khác nhau.

Ông Cường cũng cho biết hiện Vietnam Airlines đang đề xuất hành khách tiêm đủ liều vaccine và có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 không phải cách ly. Đây là đề xuất phù hợp vì nếu cách ly, nhiều người sẽ không chọn điểm đến Việt Nam thì gây thiệt hại cho nền kinh tế.

“Chẳng hạn, nhà đầu tư muốn vào Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp bàn chuyện làm ăn hay tìm hiểu thị trường nhưng vì quy định nhập cảnh khắt khe, họ không đi nữa hoặc chuyển sang nước khác...” - ông Cường dẫn chứng.•

Nhiều thực tập sinh ở Nhật hết hạn muốn về nước

Theo ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (một doanh nghiệp đưa thực tập sinh, lao động sang Nhật làm việc), việc sớm nối lại đường bay Việt - Nhật là thông tin tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt người lao động có hướng đi xuất khẩu lao động không phải chờ đợi lâu và một lượng lớn thực tập sinh đã hết hạn hợp đồng cũng đang muốn về nước. Ông Sơn cũng mong muốn rút ngắn thời gian cách ly để các nhà đầu tư, chuyên gia đi lại thuận lợi và giảm chi phí cho các thực tập sinh hết hạn về nước.

Các hãng bay đã sẵn sàng

Ngày 26-11, trao đổi với PV, đại diện hai hãng hàng không VietJet và Bamboo cho rằng luôn sẵn sàng cất cánh phục vụ khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ hãng mong từng ngày được mở lại đường bay quốc tế, trong đó có đường bay Việt - Nhật vì lượng khách ổn định. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác 3-4 chuyến hai chiều trên đường bay này, trong đó chiều từ Việt Nam đi chủ yếu là chuyên gia, du học sinh. Chiều từ Nhật về là chuyên gia, hàng hóa thiếu yếu và thiết bị y tế. 

Dịch COVID-19 xuất hiện ở 30 quận/huyện, Chủ tịch TP.Hà Nội ra công điện hoả tốc

UBND TP.Hà Nội có công điện hoả tốc số 25 tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long - Phong Điền ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN