"Nên kiểm định xe máy cũ hơn là cấm"
Xung quanh dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện) mà UBND TPHCM đang giao Công an thành phố nghiên cứu, trao đổi với PV, TS Khuất Việt Hùng, Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội) cho rằng: “Nên kiểm định xe máy hơn là cấm”.
- Bộ Giao thông vận tải và TPHCM đang nghiên cứu dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện). Nhiều người lo ngại, tới đây xe máy cũ sẽ bị cấm lưu hành. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi không cho rằng, phía Bộ Giao thông hay bất cứ cơ quan nào có chủ trương cấm xe máy cũ. Thực ra sẽ có ý kiến khác nhau về việc kiểm soát chất lượng xe máy, trong đó có rất nhiều giải pháp: theo tuổi (đến tuổi là không cho lưu hành) và một quan điểm khác là kiểm định.
Hai giải pháp trên nhằm đưa ra một định hướng nhưng đều hướng đến việc sẽ phải kiểm định xe gắn máy để đảm bảo về chất lượng cũng như về môi trường, còn tôi không cho rằng người ta hướng đến chủ trương cấm xe máy cũ. Vì nếu xét về độ tuổi kỹ thuật của xe máy thì các nhà sản xuất phải công bố. Giống như xe buýt chẳng hạn, tuổi thọ kỹ thuật là 17 năm với xe mới cho nên việc này phải do nhà sản xuất có ý kiến chứ không phải nhà quản lý.
Hơn nữa, bây giờ muốn cấm thì bao nhiêu năm thì cấm, 15 hay 20 năm? Tôi cho rằng, chủ trương chung của nhà nước là muốn nâng cao an toàn giao thông và chất lượng môi trường của các phương tiện tham gia giao thông, trong đó có xe máy.
TS. Khuất Việt Hùng trao đổi với PV - Ảnh: Xuân Tùng
Trước xe máy, chúng ta đã làm với ô tô qua phương pháp kiểm định, bây giờ định hướng đến xe máy làm sao để tham gia giao thông an toàn hơn, tránh việc xe tự dưng bị gãy, cháy khi đang lưu thông hay đơn giản hơn nữa là xe thiếu còi, thiếu đèn… vẫn chạy trên đường.
Tôi cho rằng nên chủ trương kiểm định hơn là cấm vì nếu có cấm thì cũng chỉ mang tính nhất thời ở đâu đó, chỗ nào đó chứ không thể có chủ trương về chiến lược từ Chính phủ hoặc Bộ Giao thông về việc cấm xe máy cũ.
Mặt khác, nếu cấm xe máy cũ thì thế nào là cũ, thế nào là không cũ? Đó cũng là vấn đề tranh cãi nên tôi tin Bộ Giao thông cũng không muốn đi vào việc này vì nó sẽ là bất tận. Có thể, trong một dự thảo nào đó người ta có đưa ra một giải pháp bao gồm cả việc xem xét việc có thể cấm hay kiểm định nên đây vẫn là trong thời gian người ta vẫn chuẩn bị.
Việc cấm thì dễ (theo nghĩa là dễ ban hành) nhưng sẽ khó thực hiện và dễ dẫn đến sự tranh cãi rất lớn. Còn việc kiểm định thì tính toàn vẹn cao hơn nhưng việc triển khai đầu tư để xây dựng các cơ sở kiểm định thì cần phải có thời gian. Cá nhân tôi thì cho rằng, nên kiểm định xe máy sẽ phù hợp hơn.
- TS vừa cho rằng việc kiểm định xe máy sẽ phù hợp hơn. Vậy xin hỏi việc kiểm định sẽ diển ra như thế nào và nhằm mục đích gì?
Kiểm định xe máy sẽ giống như việc kiểm định ô tô, xem phanh có còn đủ điều kiện hay không, độ mòn của lốp, các tiêu chuẩn kỹ thuật… có đủ điều kiện lăn bánh hay không.
Người ta kiểm định, kiểm tra khí thải xem khí thải có đúng yêu cầu, quy định của nhà nước… Sau khi kiểm định tất cả các tiêu chuẩn đó, nếu xe đủ điều kiện vận hành sẽ kết luận là đủ điều kiện còn nếu không đủ điều kiện thì sẽ không được vận hành. Còn việc bỏ hay không là việc của cá nhân người sở hữu phương tiện nhưng anh không được phép đi ra đường.
Trong trường hợp đã hết hạn sử dụng mà anh vẫn lưu hành thì nhà nước đã ban hành luật lệ quy định phải sử dụng đúng tiêu chuẩn nhưng anh vẫn sử dụng đầu tiên là vi phạm Luật Giao thông và bị xử phạt theo đúng quy định.
Về nguyên tắc, những phương tiện, chủ phương tiện cố tình vi phạm nhiều lần thì sẽ bị tịch thu phương tiện. Việc này là hoàn toàn bình thường. Khi đã tịch thu thì nhà nước có rất nhiều cách: thanh lý hoặc tiêu hủy… Hiện nay chúng ta đang thanh lý rất nhiều xe vi phạm bị tịch thu, việc này là hoàn toàn bình thường và không có vấn đề gì.
Xe máy cũ đang là phương tiện mưu sinh của nhiều người nghèo tại Thủ đô - Ảnh: Ngọc Lân
- Thưa TS, xét về mặt logic học, một chiếc xe máy khi đã quá cũ nhưng chủ phương tiện vẫn cố sử dụng thì sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến môi trường và sức khỏe?
Đơn giản thế này, nếu quy định xe chỉ chạy được 100km thì thải ra bao nhiêu gam ô xít lưu huỳnh hay ô xít ni tơ nhưng bây giờ xe máy cũ thải nhiều hơn; trong khi đó ô xít lưu huỳnh gây ung thư, gây mưa a xít hay thậm chí xăng thừa cũng gây ra rất nhiều hậu quả ảnh hưởng đến bệnh tật về mắt, về phổi, bệnh về già… thì đây là tác hại.
Bây giờ một người vi phạm thì không sao nhưng nếu tất cả mọi người cùng vi phạm sẽ có vấn đề, không khí sẽ nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây rất nhiều bệnh và làm nhiều người chết.
Với những xe không đủ điều kiện kỹ thuật thì đi dễ xảy ra cháy xe, gẫy giữa đường, không có đèn, còi dễ gây tai nạn… rất nhiều nguy cơ xảy ra. Đây là những tác hại nhãn tiền có thể nhìn thấy.
- Vậy theo quan điểm của TS, mỗi chiếc máy nên lưu hành trong thời gian bao nhiêu lâu thì nên xem xét việc hạn chế lưu hành?
Thực ra tôi không muốn xác định tuổi. Bản thân chiếc xe máy, kể cả nếu không thể đi được nữa, người ta vẫn muốn giữ làm kỷ niệm cũng không ai cấm nhưng việc đi ra đường, tham gia giao thông ảnh hưởng đến tình hình chung thì lúc đó nhà nước phải bảo vệ bằng các quy định của luật pháp.
Ở đây chúng ta không nên hạn chế tuổi của xe mà chỉ nên hạn chế về kỹ thuật. Những phương tiện không đủ điều kiện về môi trường, chủ phương tiện nào thích cứ để trong nhà nhưng nếu đưa ra đường tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông và an toàn cho người khác thì nhà nước người ta phải có ý kiến. Bản thân tôi không đồng tình với độ tuổi mà tôi đồng tình với quan điểm đủ điều kiện tham gia giao thông.
- Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi!