Nên hạn chế xe giường nằm chạy đường đèo vì dễ lật

Xe ô tô giường nằm hai tầng lưu thông trên đoạn đường đèo, khi vào cua gây ra lực văng lớn, dễ khiến lái xe mất lái. Do vậy, Bộ GTVT nên xem xét cho tạm dừng hoán cải xe ghế ngồi thành xe giường nằm để giảm mật độ, dễ quản lý, đảm bảo an toàn cho hành khách.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, trên cả nước xảy ra 186 vụ tai nạn giao thông, làm 114 người tử vong. Đặc biệt, ngày 1/9, tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ tai nạn, xe khách lao xuống vực khiến 12 người chết, 41 người bị thương. Sau vụ tai nạn, nhiều người lo ngại về an toàn của xe giường nằm hai tầng, đặc biệt chạy trên tuyến đường đèo, đồi núi.

Xe giường nằm hai tầng phù hợp chạy đường đồng bằng

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho biết, xe khách lao xuống vực ở Lào Cai xảy ra là một điều đáng tiếc, không ai mong muốn. Hiện tại, có lượng lớn xe giường nằm đang hoạt động tuyến Hà Nội đi Sơn La, Lào Cai… Tuy nhiên, sau sự việc xe khách lao xống vực các doanh nghiệp nên kiểm tra lại việc quản lý lái xe và phương tiện.

“Hiện nay xe giường nằm chạy trên đường đồng bằng đang hoạt động tốt, không có vấn đề gì. Nhưng với tuyến đường đèo lại dễ gặp nguy hiểm bởi khi xe chạy trên cung đường này, góc cua tay áo nhiều, lực văng của xe mạnh nên xe dễ bị chao đảo, dẫn đến lái xe mất lái. Như vậy, sự cố xảy ra tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào”, ông Liên chia sẻ.

Ông Liên cho biết thêm, xe ô tô giường nằm cũ, giảm sóc được thiết kế bằng thanh sắt, khi gặp phải ổ gà ô tô dập lên xuống đều, êm. Nhưng loại xe mới hiện nay lại thay thế giảm sóc sắt thành cái bầu hơi (bơm hơi trong bầu để giảm sóc khi đi trên đường), dù xe êm hơn so với xe đời cũ nhưng khi gặp chướng ngại vật, hoặc góc cua tay áo thì lực văng xe lớn, xe dễ chao đảo dẫn đến gặp nạn.

Nên hạn chế xe giường nằm chạy đường đèo vì dễ lật - 1

Hiện trường vụ tai nạn xe khách xảy ra ở Lào Cai khiến 12 người chết, 43 người bị thương

“Cách đây hơn 1 tháng tôi có đi xe giường nằm của nhà xe T.B từ Sài Gòn ra Hà Nội. Khi xe đang lưu thông trên đường bất ngờ lái xe phanh gấp tránh chiếc xe máy. Tôi đang ngồi ở hàng ghế thứ 2 bị văng hất lên gần ghế lái xe. Tôi để ý, khi đi xe gặp sự cố, bầu hơi (giảm sóc) xe nhún sâu, xe dốc hẳn lên sau đó mới cân bằng trở lại. Đấy là với đường đồng bằng, lái xe còn kịp xử lý. Nhưng thử nghĩ xem nếu là đường đèo, đối núi thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Liên kể.

Theo ông Liên, hiện nay các nước trên thế giới họ không dùng xe giường nằm chạy tuyến đường dài mà sử dụng máy bay. Trước đây, Trung Quốc là nước đầu tiên sử dụng xe giường nằm. Các doanh nghiệp vận tải ở nước này đã hoán đổi (nâng cấp) xe ghế ngồi thành xe giường nằm, sau đó xe này được đưa về Việt Nam sử dụng. Hiện tại, loại xe này phù hợp hơn với đường đồng bằng ở Việt Nam và nó đáp ứng được nhu cầu đi đường dài của người dân là có chỗ nằm thoải mái.

Không cấp phép xe giường nằm chạy tuyến đường ngắn

Ông Liên kiến nghị, Bộ GTVT nên xem xét đối với doanh nghiệp vận tải xe giường nằm đi các tuyến đường đèo, đồi núi, siết chặt, không cấp phép cho đơn vị vận tải chạy xe giường nằm tuyến đường quá ngắn (dưới 300km) để giảm mật độ xe. Đối với doanh nghiệp vận tải ở miền xuôi không nên cho chạy lên vùng rừng, đồi núi, đặc biệt là xe du lịch, không cấp phép chạy ban đêm. Đơn vị vận tải ở miền núi, nếu đảm bảo chất lượng, an toàn cho hành khách thì vẫn cho chạy.

“Đặc biệt chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng cho đơn vị vận tải hoán đổi xe ghế ngồi thành xe giường nằm. Bởi những xe giường nằm hoán cải (từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm 2 tầng), có tầng 2 ở trên cao, trọng tâm của nó không nằm ở sàn mà là ở lưng chừng xe. Do vậy, khi chạy trên đường đèo dốc, khúc cua mà phanh gấp xe sẽ dễ tạo ra lực văng lớn, gặp nạn”, ông Liên nói.

Ông Liên cho hay, ông đã từng đi trên chiếc xe giường nằm đúng tiêu chuẩn Bộ GTVT quy định và ông cảm thấy yên tâm. “Trong một lần tôi đi xe giường nằm Hoàng Long, trên xe họ thực hiện quy trình về vấn đề an toàn cho hành khách hết sức chặt chẽ. Khi đi, họ đều có hai lái xe luân phiên nhau lái. Trên mỗi chặng đường nghỉ, đều có thanh tra lên kiểm soát vé, kiểm tra việc thay lái xe. Rồi đặc biệt, có cả hệ thống toa lét ở trên xe. Khi đó tôi thấy hài lòng, an tâm khi ngồi trên xe”, ông Liên kể.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay xe giường nằm đang hoạt động tốt, được người dân ưa chuộng. Người dân khi đi tuyến đường dài có nhu cầu cần nghỉ ngơi. Còn đối với tuyền đường đèo dốc, khu vực núi, Bộ GTVT nên đưa ra điều kiện cụ thể hơn để đơn vị vận tải, lái xe chấp hành. Đặc biệt, trên tuyến đường nguy hiểm phải có biển báo, xây dựng tuyến hộ lan vững chắc để khi ô tô gặp nạn ngăn lại được, không bị văng xuống núi, đèo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN