'Nên đổi tên cao tốc 2 làn xe thành đường tốc độ cao'

Sự kiện: Thời sự

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đổi tên cao tốc 2 làn xe thành đường tốc độ cao để thay đổi cách thức quản lý, tổ chức giao thông so với cao tốc đạt chuẩn.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Đường bộ. Theo Điều 44, đường cao tốc chỉ dành cho một số loại xe cơ giới lưu thông, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, được bố trí hàng rào bảo vệ, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Dự thảo không nêu cụ thể tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc mà giao Bộ Giao thông Vận tải quy định tại văn bản dưới luật.

Về cao tốc đầu tư phân kỳ, dự thảo quy định Nhà nước căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực và quy hoạch để quyết định chủ trương đầu tư phân kỳ đầu tư, xác định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy mô làn xe quy hoạch hoặc tiến độ dự án.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Khu Du lịch Cửa Biển (Bình Định) nêu thực trạng tai nạn giao thông trên một số cao tốc đầu tư phân kỳ thời gian qua. Để đảm bảo an toàn giao thông, ông cho rằng phải đổi tên "cao tốc phân kỳ" nhằm tách biệt cách thức quản lý, tổ chức giao thông so với cao tốc đạt chuẩn.

Theo ông, một số nước đặt tên cho "cao tốc phân kỳ" 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp là "đường tốc độ cao", tổ chức giao thông tương đồng với quốc lộ, chỉ điều chỉnh một số quy định do hai bên không có dân cư sinh sống. "Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về đường tốc độ cao để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp", ông Cảnh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội

Phó đoàn Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng thiết chế quản lý, tiêu chuẩn đường cao tốc còn bất cập, phát sinh vấn đề, không đáp ứng an toàn. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Trong báo cáo giải trình tiếp thu dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có đại biểu đề nghị phân loại cụ thể đường cao tốc và phải có làn dừng khẩn cấp; cao tốc thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp. Thường vụ Quốc hội cho biết do nguồn lực có hạn nhưng cần đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế xã hội.

Từ năm 2023 Thủ tướng chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, song việc triển khai vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn. Việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc sau đó được quy định tại khoản 4 Điều 50 dự thảo luật. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc.

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 trước ngày thông xe Nút giao cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh  Hóa. Ảnh:  Lê Hoàng

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 trước ngày thông xe Nút giao cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng

Hồi tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc, có hiệu lực từ 1/10. Theo Quy chuẩn kỹ thuật mới, các tuyến cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa và làn dừng khẩn cấp liên tục. Cao tốc có 3 cấp thiết kế, trong đó cấp 120 tốc độ là 120 km/h, cấp 100 là 100 km/h, cấp 80 là 80 km/h. Các khu vực địa hình khó khăn, liên quan yếu tố quốc phòng an ninh có thể áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Hiện nay các tuyến cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, trong đó khuyến cáo số làn xe được xác định trên cơ sở tính toán năng lực thông hành. Trường hợp phương án phân kỳ đầu tư thì phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để sử dụng các phần công trình đã được làm trước và đảm bảo thiết kế phân kỳ, tạo thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau.

Nhiều dự án cao tốc đã được phân kỳ đầu tư chỉ có 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Thủ tướng mới đây yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nâng cấp lên 4 làn xe. Cả nước hiện có gần 1.900 km cao tốc. Theo kế hoạch, ngành giao thông sẽ hoàn thành 3.000 km cao tốc đến năm 2025 và cơ bản hoàn thành 5.000 km đến năm 2030.

Dự thảo Luật Đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp 7 đang diễn ra. Dự thảo Luật hiện nay có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Đường bộ có nhiều điểm mới như thay đổi phạm vi điều chỉnh, quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Luật có một chương nói về đường cao tốc, bổ sung quy định mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa với các dự án đường cao tốc đã được đầu tư theo phương thức PPP.

Nguồn: [Link nguồn]

TP HCM đề xuất đặt tên các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải... cho một số tuyến quốc lộ đi qua địa bàn thành phố

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN