Nên bỏ “lễ hội dã man”?

Những hình ảnh bạo lực trong lễ hội như: “chém lợn tế thần”, “phóng lao giết trâu”... đang tạo ra những cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống.

Nghi lễ tàn ác

Lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) bắt đầu vào mùng 6 tết hằng năm, với nhiều nghi lễ “rùng rợn”. Các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc… máu me bê bết sân đình. Hàng nghìn người phấn khích hò reo cổ vũ, tranh nhau nhúng tiền vào máu cầu may. Lễ hội này luôn tạo ra những luồng ý kiến khác nhau về về tục lệ chặt chém, đặc sắc, truyền thống nhưng quá dã man...

Không chỉ vậy, nước ta còn những lễ hội khác như đâm trâu ở Tây Nguyên; chọi trâu Hải Phòng, Vĩnh Phúc... thường kết thúc với hình ảnh móc mắt, đẫm máu, cái chết tại chỗ của một trong những chú trâu... Mặc dù bị lên án, phản đối nhiều về tính chất bạo lực, nhưng các lễ hội này vẫn tồn tại trong sự hào hứng của người dân địa phương.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, các lễ hội trên xuất phát từ nhu cầu cộng đồng. Họ tế thần để mong may mắn, phát triển. Việc tế thần bằng thịt các con vật nuôi diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ có khác, thông thường giết con vật xong rồi thịt tế, nhưng ở một số nơi, giết vật nuôi ngay tại chỗ.

“Những hình ảnh đâm chém... nhiều người sẽ cảm thấy ghê sợ, dã man ở những lễ hội. Du khách quốc tế và bạn bè tôi cũng tỏ ra không thích về những nghi lễ bạo lực này”, GS Thịnh cho hay.

PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) lý giải, vốn dĩ tập tục đó ban đầu là để tôn vinh vẻ đẹp hoang sơ, sự mạnh mẽ của con người trong quá trình tác động vào tự nhiên. Tuy nhiên, đôi khi, những lễ hội này tạo ra hình ảnh dã man, phản cảm. Nếu những người chưa đủ trưởng thành chứng kiến, sẽ bị tác động tiêu cực.

Nên bỏ “lễ hội dã man”? - 1

Chú lợn sắp bị chặt làm đôi (Ảnh: Tiền Phong)

“Không phải ngẫu nhiên mà các biện pháp thực hiện án tử hình ngày một khác, văn minh hơn. Ngày nay, tử hình bằng tiêm thuốc độc, không phải xử bắn, càng không phải gươm đao như xưa. Sự phát triển xã hội phải giảm thiểu những thứ bạo lực. Trong khi đó, những hình ảnh lễ hội với nghi lễ đâm chém man rợ không đúng với nhịp điệu của sự phát triển”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Trịnh Hòa Bình, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cần phải xem xét lại những tập tục dã man, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Mặc dù lễ hội truyền thống nhưng không phải cái gì bảo lưu, khôi phục cũng đều tốt cả.

Không nên dẹp bỏ

GS Ngô Đức Thịnh nói: “Hãy nghe bài hát trong lễ đâm trâu: Trâu ơi ta không muốn giết trâu, trâu đừng giận ta, vì bản làng ta thiếu ăn, chúng ta cần phải thần linh phù hộ, nên ta đành phải giết trâu.... Bài hát này thể hiện tinh thần nhân bản của con người trước khi giết trâu. Hành động đó xuất phát từ nhu cầu tế thần của con người.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, những “người ngoài” thấy lễ hội đâm trâu, chém lợn... rất dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người dân của làng không nghĩ như vậy. Họ nghĩ đó đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn. Do đó, không thể ngăn cấm người dân tổ chức lễ hội, quyền tiến hành văn hóa là của người dân.

Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến đưa ra giải pháp giảm những hành động “không đẹp mắt” như bỏ nghi lễ chém, đâm, dùng lợn giả, trâu giả... Theo GS Thịnh, những giải pháp đó không khả thi, bởi mất mất sự linh thiêng của tập tục. Cần tôn trọng quyền của những người chủ thể văn hóa.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, vấn đề nằm ở cách nhìn của “người ngoài”, nếu duy trì trong cộng đồng làng xã cũng chẳng phương hại đến ai. Do vậy, nên thu hẹp lễ trong cộng đồng, không mở rộng ra khỏi làng, xã. Lễ hội chém lợn sẽ là nội bộ của người trong làng, người ngoài làng và trẻ em sẽ không được tham gia lễ hội.

“Làm như vậy, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân, tránh người ngoài nhìn vào với con mắt khác, phản ứng không hay từ xã hội”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nói.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 (6/2009), Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhận được hai chất vấn xung quanh việc tổ chức các lễ hội “khuyến khích bạo lực, gây tâm lý sợ hãi”…

Đại biểu Đinh Xuân Thảo nêu kiến nghị nên bỏ lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và chặt đầu trâu trong lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Còn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng dẫn ý kiến của  nhiều cử tri về một số lễ hội như:  “chém lợn”, “chọi trâu”… gây tâm lý ghê sợ, khuyến khích bạo lực, thể hiện nét man rợ cổ xưa.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho rằng hành vi chém lợn hay chặt đầu trâu hiện không còn phù hợp và không nên duy trì tại các lễ hội trên. Tuy nhiên, bộ trưởng e ngại các hoạt động mang tính bạo lực tại các lễ hội nêu trên sẽ rất khó khả thi nếu chỉ thực hiện bằng các biện pháp hành chính đơn thuần. Vì vậy bên cạnh cơ sở là kết luận khoa học cũng cần kiên trì làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, làm chuyển biến từ trong nhận thức của người dân, để chính những người dân hiểu rõ và quyết định không thực hiện các hành vi tín ngưỡng không còn phù hợp nêu trên.

Một số "lễ hội dã man" truyền thống

Vào mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm, người dân thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) lại tổ chức lễ hội chém lợn tế Thánh.

Trước khi làm lễ, hai chú lợn được rước đi quanh làng, sau đó đặt tại sân đình. Hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi sẽ ra tay chém hai chú lợn để tế Thánh.

Bằng lưỡi đao bén ngọt, hai chú lợn thờ nhanh chóng bị chém đứt đôi, máu văng đầy ra sân trong sự hò reo phấn khích của đám đông chứng kiến. Kết thúc lễ chém lợn, dân làng và du khách thập phương thường cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu lợn rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc.

Tương tự, tại Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu được tiến hành để tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng...

Mở đầu nghi lễ, người chủ trì sẽ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu, biểu diễn võ thuật.

Sau các màn múa hát là nghi lễ đâm trâu - phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Các tráng sĩ được trang bị lao dài sẽ phóng lao giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Chàng nào chỉ đâm một nhát mà trâu chết ngay thì được khen ngợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN