NASA "quăng" trực thăng để nghiên cứu
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã ném một chiếc trực thăng xuống đất để thử nghiệm khả năng chịu va chạm của thiết bị an toàn mới.
Chúng ta đều đã quen thuộc với những vụ thử nghiệm khả năng chịu va đập của ô-tô, thế nhưng cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã “chịu chơi” hơn rất nhiều khi quăng hẳn một chiếc trực thăng từ trên cao xuống đất để thử nghiệm hệ thống ghế ngồi và đai an toàn mới.
Hôm 28/8, NASA đã cho treo thân của một chiếc trực thăng CH-46E Sea Knight của Thủy quân lục chiến với đầy những hình nộm thử nghiệm lên độ cao hơn 9 mét và sau đó thả cho rơi xuống đất theo đúng chuyển động văng của một chiếc trực thăng bị rơi xuống đất.
Chiếc trực thăng bị "ném" từ độ cao hơn 9 mét xuống đất
Chiếc trực thăng này chuyển động với tốc độ hơn 48 km/h trước khi nó được quăng xuống đất từ độ cao hơn 9 mét tại Trung tâm nghiên cứu Langley của NASA ở Hampton.
Kỹ sư trưởng thử nghiệm Martin Annett của NASA cho biết: “Chúng tôi thiết kế thử nghiệm này để mô phỏng một vụ tai nạn kinh hoàng nhưng không gây chết người theo các tiêu chuẩn dân sự và quân sự. Thử nghiệm này quả thật rất phức tạp với rất nhiều hình nộm, máy quay và công cụ nhưng rất may là nó đã thành công tốt đẹp.”
Thử nghiệm này là một nỗ lực chung giữa NASA, Cơ quan Hàng không Liên bang, hải quân và lục quân Mỹ. Bên cạnh việc thử nghiệm các thiết bị an toàn, các cơ quan này còn tìm cách xác định khả năng sống sót trong một vụ tai nạn trực thăng tương tự. Những dữ liệu này sẽ được sử dụng để thiết kế những chiếc trực thăng an toàn hơn.
Các hình nộm và nhiều thiết bị phức tạp bên trong trực thăng
NASA đã gắn 40 camera cả bên trong lẫn bên ngoài chiếc trực thăng thử nghiệm này cũng như các máy tính để thu thập dữ liệu. Họ sẽ mất nhiều tháng trời để phân tích thông tin, trong khi NASA công bố một đoạn video quay chậm rất thú vị về cuộc thử nghiệm va chạm này. Trong video này, chiếc trực thăng trông như vừa có một cú hạ cánh đầy khó khăn, tuy nhiên NASA đã ca ngợi đây là một thành công tuyệt vời.
Video NASA quăng trực thăng để thử nghiệm khả năng chịu va đập: