Nắng nóng ở miền Bắc, mưa dông ở miền Nam còn kéo dài đến khi nào?
Các tỉnh Bắc Bộ đang trải qua những ngày nắng nóng khiến không khí ngột ngạt. Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa dông kéo dài làm mưa lũ nhiều nơi.
Nắng nóng khiến không khí ngột ngạt bao trùm miền Bắc và miền Trung. Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm qua (12/8), nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-38 độ.
Một số nơi trên 38 độ C như Bảo Lạc (Cao Bằng) 38.4 độ C, Láng (Hà Nội) 38.2 độ C, Chợ Rã (Bắc Kạn) 38.1 độ C, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 38.2 độ C…
Sang đến hôm nay (13/8), nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ.
Khu vực Hà Nội hôm nay trời nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết, nguyên nhân của đợt nắng nóng này là do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía Tây gây hiệu ứng phơn cho khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
“Dự báo, đợt nắng nóng này còn kéo dài 1-2 ngày tới ở các tỉnh Bắc Bộ; ở Trung Bộ, nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới”, vị đại diện cho hay.
Mưa lớn khiến lũ lụt diễn ra ở nhiều nơi thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ. Ảnh TPO.
Theo đó, từ khoảng chiều tối ngày 15 đến ngày 16/8, Bắc Bộ sẽ có mưa rào và dông diện rộng, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên các sông Bắc Bộ sẽ xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-2m. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn tiếp tục xuất hiện tại các tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái).
Đối với các tỉnh Trung Bộ, do nắng nóng kéo dài nhiều ngày nên cần để phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu dân cư và nguy cơ cháy rừng.
Nắng nóng lâu ngày cũng khiến dòng chảy tại các tỉnh Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục suy giảm, thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước các hồ chứa thủy điện xuống thấp, một số hồ xuống xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết như Sông Tranh 2, Sông Bung 4 (Quảng Nam), Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5 (Bình Định).
Tình hình hạn hán, thiếu nước vẫn diễn ra tại các tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, riêng tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên tình trạng hạn hán gay gắt hơn.
Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên đã có mưa to đến rất to kéo dài nhiều ngày qua. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân.
Tính đến ngày 13/8, ít nhất đã có 10 người chết và một số người mất tích. Đắk Nông là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với 5 người chết; đặc biệt thủy điện Đăk Kar bị sự cố kẹt van xả có nguy cơ vỡ đập khiến hàng ngàn hộ dân phải sơ tán.
Dự báo, từ nay đến cuối tuần, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ giảm xuống còn diện rải rác và tập trung vào chiều và đêm. Tuy nhiên, trong mưa dông cần đền phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cậu bé 10 tuổi ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) bị dòng nước lũ cuốn trôi 4km may mắn thoát chết khi được...