Nắng nóng những ngày qua rất hiếm gặp

Theo Trung tâm Nghiên cứu khí tượng- khí hậu (Viện khoa học khí tượng thủy văn và môi trường) thời tiết năm nay diễn biến phức tạp và bất thường. Đợt nắng nóng trên 40 độ C những ngày qua ở miền Bắc và miền Trung là ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh (gió Lào).

Thời tiết hiếm gặp

Bà Đào Thị Thúy, Trung tâm nghiên cứu khí tượng - khí hậu cho biết, theo các số liệu thống kê của cơ quan khí tượng, so sánh nhiệt độ cao nhất trong 30 năm qua, nhiệt độ lúc đỉnh điểm của đợt nóng này chưa vượt qua các giá trị của năm 1986 hay gần đây nhất là 2010 (nhiệt độ cao nhất của đợt nóng hiện tại còn thấp hơn 0,5-1 độ C). Tuy nhiên, nếu so sánh cùng thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 với các năm trước thì điểm khác biệt của đợt nắng nóng năm 2012 là về mức độ và diện tích bao phủ của đợt nắng nóng. Nắng nóng năm nay xảy ra muộn hơn năm 2010 khoảng 2 tháng nhưng lại là đợt nắng nóng gay gắt diện rộng và đã lập kỷ lục về nhiệt độ cao nhất ở một số nơi. Đây chính là điểm bất thường trong diễn biến của thời tiết, khí hậu trong năm 2012.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra đợt nắng nóng diện rộng và kéo dài từ ngày 29/4/2012 đến nay là do miền Bắc và miền Trung nước ta đang chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh (gió Lào). Do có sự tồn tại của hiện tượng La Nina, nền nhiệt độ trong những tháng đầu năm 2012 nhìn chung thấp hơn so với trung bình, nhưng ngay trong tháng 4, ENSO (1) đã có sự chuyển đổi từ pha lạnh (La Nina) trở về trạng thái trung gian (trung tính) với xác suất 77% và lập tức vào ngày cuối tháng 4 đã xảy ra nắng nóng gay gắt diện rộng. “Sự biến đổi quá nhanh từ lạnh sang nóng của thời tiết những ngày vừa qua là rất hiếm gặp. Có thể, đây là hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu” bà Thúy nói.

Nắng nóng những ngày qua rất hiếm gặp - 1

Người dân Hà Nội ra đường che kín mít để tránh nắng - Ảnh Minh Cường

Tránh nắng an toàn

Theo các trung tâm dự báo lớn trên thế giới được cập nhật đến tháng 5 năm 2012 thì hiện nay các điều kiện của khí quyển và đại dương trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương (TBD) đã trở về trạng thái ENSO trung gian trong tháng 4 với xác suất 77% và có khả năng ENSO sẽ duy trì ở trạng thái này cho đến hết năm 2012. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng ENSO trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương để cảnh báo kịp thời khi có dấu hiệu chuyển sang pha nóng (El Ninô) hoặc pha lạnh (La Nina) của hiện tượng này. Vì hiện tượng ENSO có ảnh hưởng rất lớn đến các điều kiện khí quyển và đại dương và gây ra các tác động mạnh mẽ đến diễn biến khí hậu toàn cầu, khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đợt nóng gay gắt trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn. Trẻ em và người già là nhóm người chịu ảnh hưởng mạnh, nhiều người phải nhập viện do các bệnh liên quan tới thời tiết như sốt virus, bệnh đường hô hấp, tim mạch, khớp, thần kinh. “Để phòng tránh nắng nóng trong các đợt cao điểm, người dân nên sinh hoạt điều độ, hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày; uống đủ nước, bổ sung đầy đủ các khoáng chất cần thiết cho cơ thể và không nên tập trung nhiều ở chỗ đông người” bà Thúy cho biết.

Về mùa bão năm 2012, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu khí tượng- khí hậu, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới goi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) hoạt động trên khu vực Tây Bắc TBD có khoảng 25 ± 4 XTNĐ; ở Biển Đông có khoảng 11 ± 2 XTNĐ và số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam là khoảng 5 đến 6 cơn.

------------------------------------------------------

(1): ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino – Dao động Nam) để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương – Đông Ấn Độ Dương (được gọi là dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN