Theo Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (gọi tắt là Ban chỉ đạo), từ đầu năm 2020 đến đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước.
Tính từ tháng 1-4/2020, thiên tai đã làm: 9 người chết, 1 người mất tích, 42 người bị thương; gần 39.000 ngôi nhà bị sập, hư hại; 98.404 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (54.793 ha thiệt hại do hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long; 14.390 ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 29.136 ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 2.454 con gia súc, gia cầm chết.
Ước tính thiệt hại về kinh tế là 2.969 tỷ đồng, trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 469 tỷ đồng; ước tính do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), 5 năm gần đây nhất (2015-2019) toàn cầu có nhiệt độ trung bình cao nhất trong 140 năm qua (tính từ năm 1880).
Cụ thể, chuẩn sai nhiệt độ trung bình 5 năm gần đây so với trung bình nhiều năm như sau: 2015 cao hơn 0.87 độ; 2016 cao hơn 1.04 độ; 2017 cao hơn 0.93 độ; 2018 cao hơn 0.78 độ; 2019 cao hơn 0.99 độ. Như vậy, năm nóng nhất là năm 2016 và năm nóng thứ 2 là năm 2019.
Mới đây, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) đã dự báo, năm 2020 sẽ tiếp tục là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1.1 độ C, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng đã xuất hiện sớm tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ trong đầu tháng 3/2020.
Tuy nhiên, đợt nắng nóng đang diễn ra từ 3-9/5 mới được đánh giá là đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt đầu tiên của năm 2020. Trong đợt nắng nóng diện rộng này, phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, riêng vùng núi của Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 40-42 độ C; ở phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất từ 33-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-17 giờ.
Cùng thời điểm, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xuất hiện nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độC từ 11-16 giờ.
Nhận định về nắng nóng năm 2020 tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng-Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, với bối cảnh nóng lên toàn cầu như đang xảy ra, dự báo năm 2020 là một năm có nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN).
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm đến nay đều cao hơn so với TBNN từ 1.0 đến 2.5 độ, có nơi cao hơn đến 3 độ. Dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C.
Dự báo, các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 5-6 ở Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá trên diện rộng (tháng Hai 1 đợt, tháng Ba 3 đợt, tháng Tư 3 đợt).
Điển hình mưa cường độ lớn (xấp xỉ 80mm tại Bố Hạ-Bắc Giang, Phúc Yên-Vĩnh Phúc,...). Đặc biệt hơn là trận dông lốc, sét và mưa đá trên diện rộng vào đêm 30 và sáng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là hiện tượng hiếm và lạ thể hiện sự bất thường và cực đoan của thiên tai.
Dông, lốc, sét, mưa đá trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố miền Bắc, nhất là tại 9 tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu.
Riêng đợt mưa lớn, dông lốc từ 22-24/4 khiến 5 người chết (Lai Châu 2 người do mưa lớn làm sập nhà, bị lũ cuốn trôi; Hà Giang 1 người do cây đổ, đè vào người; Sơn La 1 người do đá lăn vào nhà đổ tường; Yên Bái 1 người, do sét đánh); 1 người mất tích tại Lai Châu do bị lũ cuốn trôi; 37 người bị thương.
Bên cạnh đó, gần 13.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 4.200 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị hư hỏng, đổ, dập náy và 32 công trình phụ, hội trường, nhà văn hóa bị hư hại…Ước tính tổng thiệt hại 141.170 tỷ đồng.
Clip: Mưa đá trút xuống trong đêm 23/4 tại Hà Giang (nguồn: Thành Trần/KSĐP)
Clip: Mưa đá kinh hoàng phủ trắng cả xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Mưa lớn, dông lốc trên địa bàn 4 tỉnh Trung Bộ từ 12-14/4/2020 gây thiệt hại nặng về sản xuất lúa với 19.810 ha lúa bị đổ ngã, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế 10.769ha.
Ông Trần Quang Năng-Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, hiện tượng mưa rào sấm chớp xảy ra vào Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là do không khí lạnh tràn về có tính chất ẩm, gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mưa dông.
Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng bất thường, chỉ là 30 Tết trùng với thời điểm không khí lạnh bắt đầu tràn về. Trong khi đó, lịch sử khí tượng và thời tiết được tính theo lịch dương.
Do đó, chuyên gia khí tượng cho rằng người dân không nên cố gắng lý giải hiện tượng này theo suy nghĩ "30 Tết xảy ra mưa rào, sấm chớp chưa từng thấy", mà nên hiểu đơn giản là không khí lạnh tác động gây mưa rào ở miền Bắc vào ngày 24/1. Và trong năm nay, thời điểm này trùng với đêm giao thừa.
Dù nắng nóng đã xuất hiện sớm từ tháng 3 ở miền Bắc, tuy nhiên, ngày 24/4, Hà Nội bất ngờ ghi nhận mức nhiệt thấp nhất xuống mức chỉ còn 16,5 độ C khi có một đợt không khí lạnh tràn về. Đây là mức rét kỷ lục xuất hiện cuối tháng 4 trong vòng 50 năm qua tại đây.
Ông Nguyễn Văn Hưởng-Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Với cả tháng 4 đây không phải là mức nhiệt quá thấp vì trong lịch sử vào ngày 3/4/1996 nhiệt độ tại Láng giảm xuống chỉ còn 12,9 độ.
Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn cuối tháng 4 thì mức nhiệt 16,5 độ ngày 24/4 là mức nhiệt thấp nhất chưa từng xuất hiện sau ngày 20/4 tính từ năm 1971 tới giờ".
Ông Hưởng giải thích rằng, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có nguy cơ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Còn cụ thể của các đợt mưa đá diện rộng, rét nhất sau ngày 20/4 trong 50 năm qua ở Hà Nội một phần nữa là do có tác động của nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng, cùng lúc đó là khối không khí lạnh, hội tụ gió trên mực 5.000m kết hợp với nhau gây ra.
Ban chỉ đạo cho hay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vượt lịch sử 2016.
Lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Xâm nhập mặn cũng vào sâu hơn TBNN và sâu hơn từ 3-7km so với cùng kỳ năm 2016 (sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tới 102km).
Còn tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hạn hán kéo dài đã làm 14.390ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm tổng 54.700 ha lúa bị thiệt hại (38.200 ha lúa Đông Xuân và 16.500ha lúa mùa); khoảng 96.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt; gây lún sụt nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông (1.121 điểm đường giao thông với tổng chiều dài 23.905km; 240m đê biển Tây đã sụt lún và 4.215m nguy cơ sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau).
Lý giải nguyên nhân hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn ra khốc liệt, Tiến sĩ Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho hay, có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, lượng nước vào ĐBSCL các tháng cuối mùa mưa năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 thấp hơn bình quân nhiều năm.
Thứ 2, lượng mưa các tháng cuối mùa mưa năm 2019 cũng thấp hơn trung bình nhiều năm làm cho thế cân bằng giữa nước mặn và nước ngọt có xu hướng dịch vào sâu trong đất liền (đó là quy luật tất yếu).
Thứ 3, việc sản xuất nông nghiệp chưa chuyển đổi đáng kể cho nên lượng nước sử dụng vẫn còn lớn gây áp lực lên nguồn nước