Nâng mức phạt phát tin giả trên mạng đến 100 triệu đồng
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức xử phạt hành vi phát tán thông tin sai sự thật là một trong những biện pháp nhằm làm sạch môi trường MXH.
Tung tin giả phạt tới 60 triệu đồng
Ngày 22/7, tài khoản Facebook Nguyễn Thắng Phước và fanpage Phước Cần Thơ đăng bài viết, phát livestream có nội dung: “Tiếp tế lương thực gấp giúp bà con mắc kẹt đói 2 ngày” tại khu nhà trọ ở phường Tân Phú (quận Cái Răng).
Cơ quan chức năng Cần Thơ lập tức xác minh, kết quả chủ nhà trọ và 3 người dân ở đây đều khẳng định trong thời gian phong tỏa không thiếu lương thực và không bị đói.
Việc tăng mức phạt hành vi làm và phát tán thông tin sai sự thật sẽ góp phần giảm vấn nạn tin giả (Trong ảnh: Chủ fanpage Phước Cần Thơ bị phạt 10 triệu đồng vì tung tin thất thiệt)
Đến ngày 29/7, tài khoản Facebook Phước Cần Thơ tiếp tục phát livestream ở chốt chặn phòng, chống dịch ở Khu dân cư tổ 3A ở phường An Bình (quận Ninh Kiều) và cho rằng, đồ tiếp tế bị lực lượng làm nhiệm vụ lấy mang về cho người thân.
Từ đó, dẫn tới nhiều bình luận xuyên tạc, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ, một số trang mạng phản động đã đăng lại video này.
Qua điều tra, hai tài khoản trên là của N.T.P (SN 1988, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), là giám đốc một công ty truyền thông, hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình.
Cơ quan công an đã mời P. đến làm việc, P. thừa nhận đã đăng tải thông tin sai sự thật, với mục đích tăng lượt like cho Facebook cá nhân và thu hút từ thiện. Công an TP Cần Thơ đã xử phạt P. số tiền 10 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Dư luận cho rằng, mức phạt với P. chưa đủ sức răn đe. Và theo dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng Bộ Công an vừa hoàn tất để lấy ý kiến góp ý, thì mức phạt các hành vi tương tự tăng cao hơn rất nhiều.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất phạt tiền 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Đề xuất phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Làm ra và phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; làm ra và phát tán thông tin có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng nếu sử dụng không gian mạng kích động hoạt động khủng bố hoặc đe dọa khủng bố; cố ý chia sẻ, bình luận cổ súy cho các thông tin tuyên truyền của các tổ chức, cá nhân khủng bố trên không gian mạng.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện mục đích ủng hộ, tài trợ hoặc vận động người khác ủng hộ, tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố; chậm trễ, cản trở, không thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của lực lượng chức năng trong phòng, chống khủng bố mạng…
Theo cơ quan soạn thảo, việc tăng mức phạt cho các hành vi này là cần thiết trước tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, nhiều người lợi dụng mạng xã hội tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận.
Tăng mức phạt sẽ tạo răn đe
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, gần đây, dư luận quan tâm việc một số cá nhân sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) trên một số nền tảng mạng xã hội để thể hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Trong đó, nhiều livestream có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bị xúc phạm mà còn tạo ra môi trường xấu độc với người dùng các nền tảng mạng xã hội này.
“Trong thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin và đại đa số người dân dùng mạng xã hội như hiện nay thì cần xử nghiêm, làm sạch môi trường trên không gian mạng là hoàn toàn phù hợp”, luật sư Lực cho hay.
Theo luật sư Lực, việc tăng mức phạt là một trong những biện pháp để ngăn chặn “rác” trên các nền tảng mạng xã hội. Khi mức phạt tăng cao thì cá nhân có ý định xúc phạm, vu khống người khác, thông tin bịa đặt, thất thiệt, thậm chí chia sẻ trên mạng cũng phải đắn đo, suy nghĩ về hành vi mình chuẩn bị thực hiện.
“Nếu hành vi tung tin đồn thất thiệt, vu khống, xúc phạm người khác trên không gian mạng gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, mọi người nên cẩn trọng trước những lời ăn tiếng nói của mình trên không gian mạng”, luật sư Lực khuyến cáo.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật) cũng cho rằng, vừa qua, không ít thông tin sai sự thật được truyền bá trên mạng internet, nhất là tin về Covid-19. Nhiều thông tin nhằm mục đích câu like, câu view, khiến dư luận hoang mang và không có lợi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần có chế tài xử lý thật nghiêm để ngăn chặn hành vi này.
“Chắc chắn việc nâng mức phạt cao sẽ đánh vào tâm lý những kẻ đang có ý định lợi dụng mạng xã hội để trục lợi cá nhân như bán hàng online, chạy quảng cáo…”, luật sư Bình nói.
Theo Bộ Công an, hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.
Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, YouTube.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự kiến tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi vi phạm...