Nâng mức cảnh báo với virus cúm khiến 50% số người mắc tử vong
Ngày 3/3, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã họp khẩn về chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người và nâng mức cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại, dịch cúm nguy hiểm sẽ tràn vào Việt Nam.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, hiện nay, Trung Quốc đã ghi nhận 449 trường hợp cúm A/H7N9 ở người trong đó có hai tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam. Điều đáng nói là dịch bệnh lần này ghi nhận tỉ lệ tử vong cao hơn (gần 50%) và bệnh lây lan trên quy mô rất rộng.
Trước diễn biến khó lường của dịch, ngày 3/3, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã họp khẩn Ban chỉ đạo Phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam ở giai đoạn coi như có ca bệnh xâm nhập để nâng cao tất cả các cấp độ giám sát, không để dịch cúm chết người này lây lan. Do đó, Việt Nam đã nâng mức cảnh báo, giám sát về chủng virus cúm gia cầm có độc lực cao trên người.
Đại diện Bộ Y tế lý giải, sự xâm nhập của chủng cúm chết người này là hoàn toàn có thể. Vì tại Trung Quốc mức độ của dịch tăng nhanh về số lượng mắc, quy mô. Các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông giáp đường biên giới Việt Nam đều xuất hiện ca mắc. Đài Loan đã có ca mắc biến chúng đã tử vong. Canada cũng có ca mắc cúm A/H7N9. Chưa kể, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vẫn còn phức tạp.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn) cảnh báo, hiện vẫn chưa chấm dứt được tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập là rất cao.
Theo bà Thủy, nguyên tắc không có cúm trên gia cầm thì không có trên người. Vì thế, việc chặn cúm gia cầm xâm nhập là rất quan trọng. Ngoài việc giám sát trên đàn gia cầm, tôi đề nghị lấy mẫu ở những người nguy cơ cao, tiếp xúc gia cầm để giám sát.
Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, nguồn lây bệnh cúm A/H7N9 chủ yếu là tiếp xúc với gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng chứng minh sự lây truyền từ người sang người đối với chủng cúm này. Đây là yếu tố cơ bản để nhiễm H7N9 có thể biến chuyển thành một “đại dịch cúm”.
Về mức độ nguy hiểm, chủng cúm H7N9 có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, hơn so với virus cúm A/H5N1. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp và tử vong.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A/H7N9 sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín.
Nếu người dân có biểu hiện bất thường như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.