Nạn nhân TNGT phải kiểm tra nồng độ cồn
Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế để thực hiện nghiêm quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tổ chức sáng 8.5, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ ngày 15.12.2014 đến nay, lực lượng CSGT đã lập biên bản 35.370 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó người điều khiển ô tô chiếm tỉ lệ 6,8%, mô tô là gần 33.000 trường hợp, chiếm 93,2%.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết số lượng xử phạt cũng như tỉ lệ các vụ TNGT do nguyên nhân người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia chưa phản ánh đúng. Ông Hùng cho hay: “Trong báo cáo nguyên nhân TNGT, lực lượng chức năng đưa ra các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn như đi lấn làn đường, chạy quá tốc độ. Nhưng có rất nhiều vụ tai nạn như vậy, bản chất là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia”.
Ông Nguyễn Phương Nam - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng: “Thực trạng TNGT có liên quan đến rượu bia là khá cao. Theo điều tra của chúng tôi tại các bệnh viện trên cả nước, có đến 36% nạn nhân các vụ TNGT nhập viện do liên quan đến rượu bia. Đây là con số đáng báo động”.
Theo ông Nam, nguy cơ xảy ra TNGT đối với một người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu ở mức 50mg/100ml (mức bị xử phạt) cao gấp 40 lần so với một người không uống. Thậm chí, ông Nguyễn Phương Nam kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ, thống nhất quy định nồng độ cồn đối với ôtô và xe máy 30mg/100ml.
Đồng thời, các cơ quan cần tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc như nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao trên 80mg/100ml.
Có mức chênh lệch về tỉ lệ nạn nhân TNGT có liên quan đến rượu bia giữa lực lượng CSGT và cơ sở y tế, theo ông Khuất Việt Hùng là do chưa thực hiện nghiêm Thông tư 26 về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Đại diện Ban ATGT tỉnh Long An cũng cho hay, hiện nay việc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện sau khi xảy ra TNGT chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của lực lượng CSGT. Chính vì vậy, trong những vụ việc, dù người điều khiển phương tiện bị TNGT được đưa vào viện nhưng không thực hiện xét nghiệm máu, kiểm tra nồng độ cồn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ gửi văn bản đến Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm Thông tư 26 về quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ít nhất để các bệnh viện tuyến huyện có đầu đủ trang thiết bị thực hiện bắt buộc kiểm tra nồng độ cồn đối với nạn nhân TNGT”.
Theo ông Hùng, chỉ khi thực hiện được điều này mới có con số thống kê chính xác về số vụ TNGT có nguyên nhân trực tiếp do rượu, bia.