Nạn nhân chất độc da cam: Những ngọn đèn trước gió
Hơn 34 năm qua, vợ chồng người cựu thanh niên xung phong không ngẩng mặt lên được, phần vì nỗi đau da cam luôn hành hạ và ám ảnh, phần vì quá khổ với miếng cơm manh áo. Ngày nối ngày, cuộc sống của ông bà là chuỗi thời gian khắc khoải với tương lai ảm đạm đón chờ.
Vợ chồng người cựu thanh niên xung phong ấy là Phạm Văn Án và Nguyễn Thị Tiều, con gái tật nguyền của họ là Phạm Như Ý ở xã Sơn Bình huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Một trong triệu mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi đến xã Sơn Bình huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào một chiều cuối tuần. Qua cánh rừng cao su ngút ngàn, hỏi thăm ba công nhân làm cao su đường về nhà em Phạm Như Ý bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, ai cũng lắc đầu không biết. Nhưng khi hỏi nhà ông Phạm Văn Án, vợ là Nguyễn Thị Tiều, cựu thanh niên xung phong thì một thanh niên chỉ ngay: “Anh chị đi hết vườn điều này sau đó rẽ phải, rồi quẹo trái. Theo đường mòn rẽ vào vườn tràm, nhà ông ấy ở cuối vườn”.
Khó có thể hình dung căn nhà của cặp vợ chồng cựu thanh niên xung phong thời hỏa tuyến cách đây 47 năm về trước. Căn nhà tình nghĩa 2 gian đã xuống cấp bong hồ ẩn dưới lúp xúp rừng tre, điều cằn cỗi. Ông Phạm Văn Án đang vác quốc ra vườn điều, còn bà Nguyễn Thị Tiều tay cầm chậu thay tã cho con gái.
Ông Án nhìn chúng tôi như dò hỏi rồi hạ cái cuốc trên vai, dựng vào gốc cây tràm dẫn chúng tôi vào nhà. Bà Tiều đi nhanh vào phía trong xách ấm nước vối rót mời chúng tôi. Đảo mắt quanh phòng khách, một chiếc quạt cũ kỹ, cái nồi chỏng chơ, bộ bàn ghế mọt ăn quanh chân bàn. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá ngoài cái ti vi đen trắng lâu ngày không sử dụng để trên nóc tủ sắt cá nhân.
Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ đại đội không quân 336 của Mỹ đang rải chất diệt cỏ trong vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông ngày 26/7/1969. (Ảnh tư liệu)
Mời chúng tôi ly nước vối nguội, tự dưng bà Tiều ôm mặt khóc. Bà tủi thân mỗi lần có người đến thăm, tặng quà cho gia đình. Năm 1967, cũng như bao thanh niên thời ấy, ông rời quê hương Thái Bình xung phong làm dân công hỏa tuyến. Ông không còn nhớ phiên hiệu đơn vị nữa, nhưng những lần ông cùng đồng đội hành quân trong rừng, uống nước suối, ăn lá tàu bay thay cơm thì không thể nào quên được.
“Ngày ấy ai biết chất độc da cam là gì. Cả đội thanh niên xung phong gồm 18 người đều như mình cả. Đói ăn cơm vắt với lá tàu bay, khát uống nước suối rừng”. Giọng ông Án chùng xuống “Không ngờ những ngày ở chiến trường nghiệt ngã ấy là di họa về sau”.
Cũng thời gian ấy, cô thôn nữ đẹp người đẹp nết Nguyễn Thị Tiều theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cũng tạm biệt miền trung du Vĩnh Phú vào tuyến lửa giúp bộ đội diệt thù. Tuổi 18 phơi phới sức xuân, tiểu đội tải đạn của cô hàng trăm lần vượt rừng băng suối. Trong một lần tải đạn lên cứ điểm, tiểu đội cô bị trúng bom địch. Cô bị thương vào đùi trái, và được Án cứu giúp khi đơn vị hành quân cùng tuyến đường. Họ gặp nhau và yêu nhau từ đó.
- Bác có uống nước suối và ăn lá tàu bay rừng không?
- Có chứ. Bộ đội Trường Sơn lúc ấy hầu hết đều ăn lá tàu bay và uống nước suối. Đa phần, các khu rừng rậm đều bị Mỹ rải chất độc hóa học. Ban ngày tải đạn, tối chị em xuống suối tắm. Không uống nước suối thì uống nước gì?
Năm 1976, ông Án và bà Tiều rời quân ngũ trở về địa phương. Cuối năm 1977, họ cưới nhau và tình nguyện vào Châu Đức, Bà Rịa, Vũng Tàu sinh sống theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Nỗi đau không thể nói bằng lời
Để hiểu tận cùng của nỗi đau da cam, tôi hỏi chuyện sinh nở. Ông Án hắng giọng mấy lần rồi nói: “Chẳng giấu gì anh, vợ chồng tui sinh 3 lần nhưng giữ được 2. Đứa con trai đầu bị thiểu năng trí tuệ, đứa này sinh năm 1980. Khi mới sinh ra nó trắng như cục bột. Vợ chồng hy vọng nghĩ bụng, đứa đầu đần độn trời cho mình đứa sau. Nhưng không, từ khi đứa thứ 2 sinh ra đến ngày thứ 43, đột nhiên nó khóc thét lên rồi co giật. Tui vội vàng bồng con đến bệnh xá cấp cứu. Vợ tui chết lịm khi nghe bác sĩ kết luận cháu khả năng bị di chứng chất độc da cam/dioxin.
Em Phạm Như Ý quằn quại dưới đất. (Ảnh: TC).
Tui bồng con về nuốt nước mắt vào trong, muốn khóc mà không khóc được. Lúc ấy trong đầu tui hiện lên những cánh rừng già bàng bạc, những đám cháy rừng ở Trường Sơn, những đồng đội cùng đi với tôi, ai còn ai mất, rồi tui lại nghĩ đến con. Tui động viên vợ nén lòng sinh thêm đứa nữa, biết đâu ông trời thương cho lành lặn. Bao hy vọng dồn vào đứa thứ 3, nhưng rồi cuối cùng đều tắt ngấm. Đứa thứ 3 là một khúc thịt không đầu đỏ hỏn. Bà ấy ngất ngay trên bàn đẻ. Ngày ấy đâu có phương tiện hiện đại siêu âm như bây giờ”.
Ông Án lấy vạt áo lau vội những giọt nước mắt dồn nén bấy nay. Bà Tiều phân trần thêm: “Vợ chồng tôi đặt con là Phạm Như Ý, vì lúc mới sinh nó trắng trẻo bụ bẫm đúng như tôi mơ ước. Bây giờ nó sống thực vật, mọi ăn uống tắm rửa vệ sinh đều có người giúp đỡ. Biết là nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh như mình, nhưng tôi buồn lắm. Bây giờ thì chẳng hy vọng gì nữa. Ông bà như cành củi khô dựa vào nhau mà sống. Điều tôi lo nhất bây giờ là khi ông bà tui nằm xuống, ai là người lo cho nó đây. Thằng anh trì độn, chậm chạp, không biết gì ngoài đi cuốc đất”...
Bà Tiều dẫn chúng tôi xuống chỗ em Ý nằm. Căn phòng dành riêng cho em trong 4 bức tường hầm hập. Giữa phòng kê chiếc giường cho em Ý. Ban ngày ông bà đi làm rẫy thuê, phải trải chiếu xuống đất để em Ý nằm cho an toàn, nếu không mỗi lần lên cơn co giật là em lăn xuống đất.
Chiếc giường sờn cũ do em Ý cừa vào mỗi lần lên cơn. Bà Tiều chỉ tay về phía góc nhà: “Cực lắm chú ạ. Có bữa tôi đi làm về, thấy con đang ngậm một cục đất trong mồm mắt trợn ngược. Nhìn con mà lòng đau như xát muối. Nhiều lúc nghĩ ông trời bắt tội đành chịu chứ chẳng biết kêu ai.
Bây giờ thì tôi đã kiệt sức. Ước nguyện cuối đời, chỉ mong khi tôi chết đi, con tôi được đưa đến trại chăm sóc tập trung và được chăm sóc như tôi đã từng chăm sóc nó”.
Ai chịu trách nhiệm trước tội ác này
Đấu tranh đòi lại công lý và bắt Mỹ phải có trách nhiệm với hậu quả mà họ đã gây ra trong chiến tranh phi nghĩa đối với Việt Nam, là tất cả những gì Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang nỗ lực.
Vợ chồng ông Án, bà Tiều đau khổ kể chuyện con gái mình.
Theo ông Lê Khái, Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, kể từ ngày thành lập và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm công lý, hơn 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam luôn tích cực kiên trì, đồng hành cùng các nạn nhân trong cuộc đấu dai dẳng này. Tuy nhiên, hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân còn gặp không ít khó khăn, một mặt bị cản trở của 37 công ty hóa chất Mỹ chưa chịu chấp nhận đền bù, một mặt phía chính quyền Mỹ chưa có trách nhiệm xác đáng.
Mặc dù ngay sau khi Việt Nam lên án đấu tranh đòi công lý, Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định chi ngân sách khoảng 84 triệu USD để giải quyết tồn dư chất độc hóa học ở Việt Nam, chi 5 triệu USD để khám chữa bệnh và đầu tư cho y tế mỗi năm, song số tiền đó như hạt cát bỏ biển, nó không đủ xoa dịu một phần nhỏ bé và nỗi đau mà hằng ngày, hằng giờ các nạn nhân đang gánh chịu”, ông Lê Khái khẳng định.
Cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam ra sao? Họ sẽ sống thế nào nếu không có sự sẻ chia bằng tất cả tình thương yêu trách nhiệm cộng đồng và lòng nhân ái của toàn xã hội. Xin đừng quên họ, dù bạn là ai, bạn có chỗ đứng thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo cũng đem lại cho họ niềm tin lớn hơn cuộc sống.
Những nhà phân tích, thống kê ghi nhận: Chỉ cần 85 gam chất độc dioxin là có thể giết chết một thành phố với số dân khoảng 8 triệu người. Vậy mà từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% dioxin (tương đương bằng 366 kg chất dioxin) xuống 26 ngàn thôn, bản, làng mạc Việt Nam. Hậu họa của cuộc rải chất độc đó đã hủy diệt sự sống của hàng chục triệu người. 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân... Thảm họa da cam do Mỹ gây ra cho Việt Nam là thảm họa đau đớn nhất trong lịch sử, là tột cùng tội ác của đế quốc Mỹ. |