Nam sinh chế mô hình Su-37 lao vun vút trên bầu trời
Chiếc máy bay mô hình Su-37 điều khiển từ xa của một học sinh ở Bắc Giang có thể bay với vận tốc khoảng 70km/h.
Video: Chiếc máy bay mô hình Su-37 nam sinh có thể bay với vận tốc khoảng 70km/h. (Nguồn: Ưng Sĩ Sơn)
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 1 phút ghi lại hình ảnh học sinh lớp 11 tại Bắc Giang tự chế mô hình máy bay điều khiển từ xa và cho chạy thử với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhiều người sau khi xem xong clip đã trầm trồ ngợi khen khả năng điều khiển máy bay mô hình của nam sinh này.
Su-37 nhào lộn 5 phút trên bầu trời
Theo tìm hiểu, chủ nhân chiếc máy bay gây chú ý trên mạng tên là Ưng Sĩ Sơn (ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Hiện Sơn đang theo học lớp 11A13, trường THPT Lục Ngạn số 1.
Sơn cho biết, chiếc máy bay trong clip có tên Su-37, đây là sản phẩm được chế theo hình dáng của bản máy bay thật. Những người chuyên chơi máy bay gọi là máy bay mô hình RC (điều khiển từ xa).
Nam sinh lớp 11 kể, em bắt đầu thích thú với máy bay mô hình từ thời cấp 2. Sau đó, Sơn lên mạng học hỏi và đã tự chế một số máy bay, tuy nhiên sau đó máy bay không thể bay được.
Đầu năm 2015, Sơn bắt đầu bỏ tiền ra mua linh kiện về lắp ráp một số mô hình máy bay thu nhỏ Su-27, Su-30… Sau nhiều nỗ lực học hỏi, cuối cùng những chiếc máy bay mô hình do Sơn lắp ráp cũng cất được cánh, nhào lộn đẹp mắt trên bầu trời.
Để thêm vào bộ sưu tập máy bay mô hình thu nhỏ của mình, tháng 9/2016, Sơn tiếp tục dành ra số tiền 3 triệu đồng xuống Hà Nội mua linh kiện về lắp ráp mô hình máy bay Su-37. Các linh kiện chính bao gồm bộ điều khiển, mô tơ, pin, cánh quạt. Sơn tự mua xốp về chế làm thân của máy bay. Mất khoảng 2 ngày, Sơn hoàn thiện xong sản phẩm.
“Động cơ của máy bay mô hình là mô tơ điện chạy bằng pin. Cơ cấu hoạt động cũng gần như máy bay thật. Su-37 có thể bay hoặc nhào lộn ở trên bầu trời được khoảng 5 phút, với vận tốc đạt khoảng 70km/h. Hiện nay, mỗi chiều rảnh rỗi em lại điều khiển Su-37 bay và sản phẩm này vẫn đang hoạt động tốt”, Sơn nói.
Theo Sơn, với những máy may mô hình được lắp ráp sẵn khi mua ở trên thị trường chỉ có thể bay được trên bầu trời khoảng thời gian 2-3 phút, vận tốc cũng rất thấp. Nhưng với sản phẩm mua linh kiện về tự lắp ráp, cài đặt thì sẽ cho khoảng thời gian bay lâu hơn (khoảng 5-6 phút), tốc độ bay cũng lớn hơn.
Em sẽ dành tiền tiếp tục chế thêm máy bay
Ngay khi clip được đưa lên mạng, nhiều ý kiến cho rằng, việc người chơi tự mua linh kiện về lắp ráp máy bay mô hình không có gì khó khăn.Sơn nói rằng: “Em không quan tâm nhiều đến ý kiến của dư luận. Việc mua linh kiện về tự mày mò lắp ráp máy bay mô hình cũng không quá khó, tuy nhiên, trong quá trình chơi, việc điều khiển máy bay mới là khó nhất. Người chơi cần phải có thời gian tập luyện, tích thêm kinh nghiệm và không được nóng vội thì mới có thể bay được”.
Sơn bên cạnh chiếc máy bay mô hình Su-37: Ảnh nhân vật cung cấp.
Nguyên giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam, ông Đặng Văn Tâm cho biết, ông đã xem clip của Sơn khi điều khiển máy bay Su-37 ở trên bầu trời. “Dù là việc Sơn tự mua linh kiện về lắp ráp, nhưng tôi đánh giá cao sự sáng tạo của em. Việc điều khiển máy bay mô hình không hề đơn giản. Người chơi phải nắm được nguyên lý, có kinh nghiệm thì mới có thể điều khiển máy bay bay được. Sản phẩm của Sơn rất đáng ngợi khen và cần được ủng hộ”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, việc lắp ráp mô hình máy bay đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và rất tốn thời gian. Vì vậy, không phải ai cũng làm được. Trước khi bay, người chơi phải nắm được đó là nguyên lý điều khiển máy bay (máy bay lái hướng, rẽ trái, rẽ phải, lên cao, xuống thấp bằng cách nào). Sau đó, người chơi tập điều khiển máy bay qua phần mềm giả lập trên máy tính. Đến khi thực sự thành thạo thì mới thực hiện được việc bay thật.
Nam sinh chế máy bay cũng nói thêm rằng: “Em thích thú với các sản phẩm máy bay mô hình, vì vậy, trong tương lai sẽ tích tiền để tiếp tục lắp ráp thêm nhiều loại máy bay khác. Sau khi học xong cấp 3, em có ước mơ được làm những công việc liên quan đến chế tạo điện, điện tử”.