Nam Phi: Phát hiện ổ cúm gia cầm H7N1
Một ổ dịch cúm gia cầm do virus chủng mới H7N1 gây ra vừa được phát hiện trên đà điểu ở châu Phi, làm dấy lên lo ngại một đại dịch toàn cầu bùng nổ khi số người tử vong do cúm H7N9 ở Trung Quốc tính đến ngày 10/4 đã lên đến con số 9.
Theo thông tin mới nhất, kết quả kiểm tra mẫu từ các trang trại gần Oudtshoorn, trung tâm của ngành công nghiệp xuất khẩu đà điểu Nam Phi cho thấy có sự xuất hiện virus H7N1. Mặc dù vậy, chính quyền tại nơi xảy ra ổ dịch cúm A/H7N1 tuyên bố rằng virus chỉ lây lan trong động vật và không ảnh hưởng tới người.
Thịt đà điểu xuất khẩu là mặt hàng thu nhiều ngoại tệ của Nam Phi. Ảnh: Reuters
Ngày 9-4, Sở Nông nghiệp tỉnh Tây Cape cho biết dịch cúm gây hạn chế đến sự di trú của các loài chim lớn và ngành sản xuất tại địa phương này. Cô Marna Sinclair, một thú y nhà nước ở Oudtshoorn, cho biết khu vực này từng xuất hiện virus H7N1 nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy chủng virus này có liên quan đến ổ dịch H7N9 chết người ở Trung Quốc hiện nay, ngoài ra virus không lây sang người.
“Chưa đến lúc phải bận tâm về điều này, chúng tôi cũng đặt nghi vấn các chủng virus này có liên quan đến nhau và đang tiến hành kiểm tra lại”, cô Marna Sinclair nói.
Hai năm trước, Nam Phi đã tiêu hủy 10.000 con đà điểu sau một đợt bùng phát cúm gia cầm không ảnh hưởng tới người, buộc nước này phải tạm dừng xuất khẩu thịt đà điểu sang Liên minh châu Âu.
Trong một diễn biến khác, H7N9 đã gây tử vong 9 người ở Trung Quốc, 31 người nhiễm bệnh, tính đến ngày 10-4, theo số liệu chính thức từ Ủy ban Sức khỏe và kế hoạch gia đình quốc gia Trung Quốc.
Một bé trai chơi đùa trong chợ gà khép kín tại Thượng Hải ngày 10-4. Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin, trong ngày 10-4, Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 10 người “tung tin giả mạo” về cúm H7N9 trên mạng internet gây hoang mang dư luận .
Trong khi các nhà khoa học thế giới lên tiếng ca ngợi Trung Quốc vì đã nỗ lực kiểm soát ổ dịch H7N9 thì chính người dân nước này lại đang hoài nghi về thông tin của chính phủ cung cấp. Cách đay 10 năm, nước này đã cố gắng che đậy ổ dịch SARS bùng phát trong năm 2003 khiến SARS thành đại dịch, lây lan cho hơn 8.000 người trên toàn thế giới.
Cộng đồng mạng đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ chờ tới một tuần mới công bố dịch bệnh? Câu trả lời nhận được là do các quan chức y tế cần có thời gian để xác định loại virus mà trước đó chưa từng lây sang người.