Năm ngựa, ông Ngọ kể chuyện tránh bão
Chúng tôi gặp “ông già bão lũ” Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triện Nông thôn, trong những ngày cuối năm Quý Tỵ, khi 15 cơn bão đã lùi xa để chuẩn bị cho năm Con ngựa.
Ông Ngọ mặc chiếc áo màu nâu nom giống một lão nông đang vào lúc nông nhàn chứ không giống Bộ trưởng về hưu. Trên khuôn mặt ông vẫn đau đáu những niềm ưu tư.
Từ “tránh bão chẳng xấu mặt nào”
Vừa gặp chúng tôi ở cửa, câu đầu tiên ông Lê Huy Ngọ nói “Năm nay bão lũ nhiều quá các chú à. Đúng như lời các cụ nói ‘Tràn Quý Tỵ’, năm Quý Tỵ là năm Trường lưu thuỷ - dòng nước lớn nên lũ lụt nhiều”.
Rồi ông Ngọ thống kê năm 2013 có 17 cơn (cả bão và áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên biển Đông, vượt quả kỷ lục ghi nhận năm 1964 với 16 cơn. Trong đó, chúng ta liên tiếp hứng chịu siêu bão Wutip, Nari rồi đến Haiyan với sức huỷ diệt kinh khủng nhất từ trước tới nay làm hàng chục người chết, thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh miền Trung lại chìm trong trận lũ lụt.
Những con số mà ông nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mở đầu câu chuyện cho thấy dường như mọi diễn biến bất thường của thời tiết đều được ông nắm bắt, ghi chép tỉ mỉ, cẩn trọng. Có lẽ kể cả khi đương chức cho tới lúc về hưu nhưng xem ra con người ông, phong cách ông chẳng mấy thay đổi.
Ông Ngọ nói chuyện chống bão.
Ông chia sẻ, “ Nói là về hưu chứ thực ra chưa nghỉ ngày nào, lúc nào đầu óc cũng nghĩ tới bão lụt, lúc nào có bão là thấy sốt ruột, nó trở thành nếp sống rồi các chú ạ. Họ nói tôi là bộ trưởng có khuôn mặt buồn cũng đúng. Thú thật là vui làm sao được vì mình trải nghiệm quá nhiều cơn bão, nhìn thấy quá nhiều cảnh người dân khốn khó sau cơn bão, nó trở thành ám ảnh, ám ảnh như người chiến sĩ chứng kiến nhiều đồng đội hi sinh”.
Khi chúng tôi hỏi “nỗi đau nào, mất mát nào khiến ông ám ảnh nhất trong những năm tháng là người chịu trách nhiệm phòng chống bão lũ? Nguyên Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương trầm ngâm rồi chậm rãi nói về những cơn bão mà mình đã trải qua... Ông Ngọ cho biết mất mát thì cơn bão nào cũng gây thiệt hại cả, nhưng có lẽ đau nhất là cơn bão Linda (1997).
“Khi chúng tôi đi trực thăng ra Côn Đảo nhìn xuống thấy hàng nghìn tàu thuyền bị đắm. Và tôi không thể nào quên hình ảnh những cánh tay của ngư dân gặp nạn. Họ cố vùng vẫy, vươn cánh tay khỏi con sóng hung dữ cầu cứu khi trực thăng đi qua. Lúc ấy mưa gió kinh khủng. Có lẽ họ gào thét đến kiệt sức trong tiếng sóng biển gầm rít.
Chúng tôi bất lực, nhìn xuống thấy rõ từng người, những cánh tay hua hua trên sóng dần yếu ớt, nhưng không thể là gì được hơn. Khi xuống mặt đất lại thấy hàng nghìn người bên bờ biển mắt đau đáu nhìn ra khơi để hy vọng, để mong có phép thần nào đó giúp nhìn thấy mặt người thân... Tất cả nỗi đau đó trở thành nỗi ám ảnh.
Bão lụt là tai hoạ với dân. Khi đó dân cần sự có mặt của mình nhất, chứ không phải lúc nào khác. Sự có mặt của mình chính là sự có mặt của Đảng, Nhà nước”.
Bỗng dưng ông Ngọ khoát tay, khẳng định bằng giọng mạnh mẽ “Tránh bão không xấu mặt nào. Chỉ có tránh, trốn bão chứ không nên đương đầu với bão. Không phòng ngừa, dự báo kịp thời thì việc chống lại trời là không thể. Vì vậy, sơ tán gần 1 triệu người trong bão lũ trước cơn bão Haiyan, đó là chủ trương đúng đắn của chúng ta”.
Tới cẩm nang tồn tại giữa bão lũ
Đang dở câu chuyện, bỗng dưng ông Lê Huy Ngọ đứng lên lấy trên bàn làm việc hai tập bản thảo. Trao cho chúng tôi hai cuốn bản thảo dầy dặn có tựa Tổng hợp các trận bão 1997-2007 và Tổng hợp các trận lũ quét từ 1997-2007, ông Ngọ khẳng định “Đây mới là sự nghiệp của tôi”.
Rồi ông Ngọ thuyết trình, nắng mưa là việc của trời, nhưng bảo vệ tính mạng của dân, tài sản của dân là việc của chúng ta. Tại sao sau mỗi một cơn bão chúng ta không có những cuộc họp rút kinh nghiệm? Tại sao năm nào cũng có phòng chống lụt bão, tập huấn, chi phí rất lớn cho diễn tập nhưng hiệu quả thực tế chưa nhiều?
Ông Ngọ vạch ra trên giấy những luận điểm của việc xây dựng một chương trình ký ức về phòng chống thiên tai. Đát nước ta ngửa bụng ra đại dương thì việc phòng chống báo, lũ phải trở thành tiềm thức của từng người dân. Các em học sinh phải được học kỹ năng sống trong mùa mưa bão. Phải như Nhật Bản dạy cho người dân sống là phải chiến đấu với động đất, sóng thần, trong thảm hoạ vẫn điềm đạm đối phó.
Lấy ví dụ từ việc ở Huế, nhà nào bao giờ cũng có thuyền ba lá, bao giờ cũng có bụi tre để buộc thuyền vào, nước lên thuyền lên và có tre níu lại. Ông Ngọ khẳng định dân gian có rất nhiều kinh nghiệm sinh tồn trong bão lũ, vì thế phải tìm tòi, tổng kết và đúc rút.
Đối với lực lượng phòng chống lụt bão, chúng ta cũng phải tổ chức chuyên nghiệp, chứ không thể phong trào. Bởi diễn tập chỉ mang tính hình thức, vì hiệu quả thực tế không cao.
“Chúng ta có ký ức về đánh giặc thì cũng phải có ký ức về phòng chống thiên tai. Chúng ta phải tìm tòi, trao đổi với nhau để viết lại những kinh nghiệm phòng chống bão, để người dân sẵn sàng sống chung với bão, lũ. Trên truyền hình, báo chí cần có chương trình ký ức về bão lũ”, ông Ngọ nói.
Có lẽ câu chuyện về kinh nghiệm phòng chống bão lũ với ông Lê Huy Ngọ sẽ không dừng lại đây khi những tia nắng của một chiều đông đã tắt. Lúc chia tay, ông không quên trao cho chúng tôi hai tập tài liệu, mà theo ông nói là thu thập cả đời ông. “10 năm chống bão lũ, tôi có từng đây, tôi đang rất mong chúng ta có thể xây dựng một chương trình ký ức sống chung với bão, lũ”, ông Ngọ gửi gắm.