Năm huyện của TP.HCM sẽ 'lên đời'
Năm huyện được đưa vào lộ trình chuyển lên quận/TP trong những năm tới gồm Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ.
LTS: TP.HCM đang chuẩn bị xây dựng đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021- 2030. Nhằm góp thêm những góc nhìn từ thực tiễn của năm huyện ngoại thành và ý kiến của các chuyên gia để TP tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu loạt bài gỡ “nút thắt” nào để năm huyện có thể lên quận? |
Huyện Cần Giờ gắn với rừng sinh quyển và kinh tế biển, dự kiến đến năm 2030 sẽ lên thành phố. Ảnh: VIỆT HOA
Một góc đô thị sầm uất, hiện đại ở khu dân cư Trung Sơn (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Ảnh: VIỆT HOA
Huyện Củ Chi hiện có tới 75% diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo tờ trình của Sở Nội vụ về việc chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện ngoại thành lên quận đến năm 2030, ba huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh được đưa vào lộ trình chuyển lên quận/TP trong năm năm tới. Đây là ba huyện có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong khi đó, huyện Củ Chi có những đặc thù gắn đô thị với phát triển nông nghiệp và nông thôn. Huyện Cần Giờ gắn với rừng sinh quyển và kinh tế biển, dự kiến đến năm 2030 sẽ lên TP.
Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè: Những “chiếc áo” đã chật
Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có diện tích gần 14.000 ha, là một xã phía đông của huyện Bình Chánh, giáp các phường thuộc quận 7, quận 8 và một phần giáp với huyện Nhà Bè. Đồng thời cũng là xã có tốc độ đô thị hóa gần như cao nhất toàn huyện. Theo báo cáo của huyện Bình Chánh, dân số xã Bình Hưng hiện nay đã trên 102.000 người.
Từ trung tâm TP tới khu dân cư Trung Sơn thuộc ấp 4, xã Bình Hưng chỉ khoảng 3 km. Nếu không nhìn các biển hiệu thì rất khó để tin khu đô thị hiện đại với hàng loạt căn biệt thự, nhà phố với rất nhiều dịch vụ thương mại, ngân hàng cao cấp lại được khoác bên ngoài bởi “chiếc áo”’ địa giới hành chính là cấp xã. Riêng con đường 9A chạy dọc từ đầu đến cuối khu dân cư hơn 1 km nhưng có tới ba cao ốc chung cư với hàng ngàn căn hộ. Nhiều tuyến đường trong khu dân cư chỉ toàn khách sạn nối khách sạn. Nhẩm sơ sơ, trên con đường số 7 trong khu Trung Sơn có tới gần 200 khách sạn!
Ngoài khu dân cư Trung Sơn, trên địa bàn xã Bình Hưng còn có hàng loạt khu đô thị có diện tích từ hàng chục đến hàng trăm hecta như khu dân cư Văn Lang (gần 40 ha), khu Mizuki Park (37 ha), khu Đại Phúc (hơn 150 ha), khu dân cư Him Lam (gần 120 ha)… Không chỉ xã Bình Hưng mà ỡ huyện Bình Chánh, nhiều khu vực dường như quá tải khi khoác “chiếc áo” cấp xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên…
Tương tự, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn có diện tích 177 ha, dân số hơn 30.000 người. Xã này nằm dọc theo các tuyến đường trọng điểm của huyện Hóc Môn và quận 12 như Tô Ký, Nguyễn Ảnh Thủ, kết nối với quốc lộ 22, đường song hành quốc lộ 22 về phía tây bắc của TP. Dọc theo những tuyến đường này chủ yếu là các khu thương mại, dịch vụ sầm uất, nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Lê Nhân, Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, cho biết hiện nay tỉ lệ làm nông nghiệp tại xã rất ít. Các ấp như Trung Chánh 1, Trưng Mỹ Tây đã đô thị hóa hoàn toàn. “Kinh tế mũi nhọn của xã vẫn là thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp như một đô thị” - ông Nhân cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, xã Trung Chánh hiện nay đã là một đô thị. Đó cũng là lý do huyện Hóc Môn không đưa xã này vào xã nông thôn mới. Ông Tuyên cũng cho biết không riêng gì xã Trung Chánh mà các xã Bà Điểm, Tân Xuân, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì… cũng gần như đô thị hóa hết.
Tại huyện Nhà Bè, nhiều xã như Phước Kiển, Phước Lộc, Long Thới cũng trong tình trạng tương tự.
Củ Chi: 75% diện tích đất nông nghiệp
Khác với ba huyện nêu trên thì huyện Củ Chi phần lớn diện tích vẫn là đất nông nghiệp. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện, cho biết diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện có khoảng 31.000 ha trên tổng số 43.500 ha diện tích đất toàn huyện (chiếm hơn 75% tổng quỹ đất).
Ông Phú cho biết đất nông nghiệp chiếm diện tích rất lớn nhưng dân số làm nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% dân số của huyện và tỉ trọng ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 11%. Cơ cấu nguồn thu nhập chính của ngành nông nghiệp Củ Chi vẫn là đàn bò sữa 50.000 con (chiếm 35% GRDP của Củ Chi).
Theo ông Phú, định hướng 10 năm tới, huyện Củ Chi đang trình TP cho chuyển đổi 17.000 ha trên tổng số 31.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Từ đó phân bổ các tỉ lệ đất ở, giao thông, cây xanh, thương mại, dịch vụ… làm cơ sở xác định nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Như vậy, theo ông Phú, đến năm 2030, Củ Chi vẫn còn gần một nửa diện tích là đất nông nghiệp (14.000 ha). Về chủ trương chuyển đổi lên quận, ông Phú cho rằng không thể chuyển đổi hết diện tích đất nông nghiệp của huyện lên đất đô thị. Thay vào đó, huyện Củ Chi muốn thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra cây và con giống an toàn, xanh, sạch cho TP. Đồng thời giữ được mảng xanh, tạo ra một đô thị xanh ở cửa ngõ phía tây bắc của TP.
Liên quan đến 25% diện tích đất phi nông nghiệp còn lại có gần một nửa nằm trong quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. Khu đô thị này được xem như là động lực phát triển của huyện Củ Chi, cũng như của khu vực phía tây bắc TP. Tuy nhiên, quy hoạch chung được duyệt từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay đồ án điều chỉnh quy hoạch chung vẫn chưa xong.
Cần Giờ sẽ là TP biển, sinh thái nghỉ dưỡng
Huyện Cần Giờ là địa phương có diện tích lớn nhất TP.HCM với hơn 70.000 ha. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết đặc thù của huyện là có tới 70% diện tích đất rừng ngập mặn (34.000 ha) và sông rạch. Theo quy hoạch, từ xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa là khu đô thị cảng logistics. Giữa là vùng đệm với 34.000 ha rừng sinh quyển. Phần còn lại sẽ phát triển theo hướng là đô thị sinh thái biển.
Theo chủ tịch huyện Cần Giờ, ngành nông nghiệp - thủy sản vẫn đóng góp tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Đặc biệt, ông Hồng cho biết cuối tháng 3-2021, Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận cho xã Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ sẽ là xã đảo. Đây chính là một trong những yếu tố để Cần Giờ không thể chuyển đổi thành quận.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ cuối tháng 3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh vị trí đặc biệt của huyện Cần Giờ. Theo ông Phong, Cần Giờ vừa có biển, rừng, đảo, diện tích xấp xỉ Singapore, tương lai sẽ là TP biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Về quy hoạch Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết hiện nay đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 trên địa bàn huyện Cần Giờ đã được Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận. Cuối năm 2019, UBND TP có công văn kiến nghị Thủ tướng cho phép TP lập và điều chỉnh quy hoạch phân khu huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TP. Tuy nhiên, đến nay Thủ tướng chưa có ý kiến. Vì thế, ông Hồng kiến nghị UBND TP tiếp tục có ý kiến với Thủ tướng để huyện có cơ sở thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn.
Trước đó, tháng 6-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc với Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng hoàn chỉnh quy hoạch là vấn đề cần ưu tiên nhất với Cần Giờ. Không có quy hoạch thì không thể thu hút đầu tư. Người đứng đầu TP đã chỉ đạo Sở QH-KT hoàn thành điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ trước quý IV-2021. Trong đó phải đặc biệt hạn chế tối thiểu ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển hiện hữu.
“Gỡ được điểm nghẽn giao thông, chắc chắn Củ Chi sẽ bật lên!” Dù lên quận hay vẫn là huyện thì điều quan trọng nhất với tôi là làm sao để người dân hưởng lợi tốt nhất trên mảnh đất của mình. Nếu lên quận, người dân lo bán hết đất rồi đi đâu, về đâu? Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khi đặt vấn đề: Nếu lên quận thì giá trị suất đầu tư có tăng theo không? Nếu không thì đừng làm mất cơ hội của người dân khi mà đất thì cứ treo lơ lửng, nhà đầu tư không vào vì giá đất quá cao. Doanh nghiệp mua không được, người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng không xong thì tất cả lợi thế sẵn có của Củ Chi sẽ chuyển về Long An, Tây Ninh… Vì vậy, trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp, tốt nhất là vẫn tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nông thôn gắn liền với quá trình đô thị hóa, chuyển đổi mô hình sản suất nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu và an toàn cho người dân TP. Củ Chi chỉ cách trung tâm TP 30 km, thuận lợi hơn rất nhiều so với rau củ từ Đà Lạt hoặc các tỉnh, thành khác đến TP. Cùng với đó, hạ tầng đường giao thông liên thôn, liên xã được đầu tư rất tốt. Điểm nghẽn lớn chính là tuyến đường kết nối từ trung tâm TP về Củ Chi. Hiện nay chỉ có quốc lộ 22 nhưng hiện trạng của tuyến đường này đang quá tải. Vì vậy, từ Củ Chi đến trung tâm TP chỉ 30 km nhưng phải đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Điều này là cản trở rất lớn đối với Củ Chi từ trước đến nay. Khu đô thị Tây Bắc hơn 6.000 ha lâu nay chậm triển khai cũng một phần vì điểm nghẽn này. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông thì chắc chắn Củ Chi sẽ bật lên. Ông NGUYỄN HỮU HOÀI PHÚ, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi |
Đổi tên đề án Văn phòng UBND TP vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tại cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện lên quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ông Võ Văn Hoan giao Sở Nội vụ điều chỉnh, thay đổi tên đề án thành kế hoạch xây dựng đề án về đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND TP trước ngày 16-4. Đồng thời giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức nghiên cứu, xây dựng các đề án nhánh; tổng hợp, hoàn thiện đề án về đầu tư - xây dựng các huyện thành quận trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trong quý IV-2021. Bên cạnh đó, sở này khẩn trương tham mưu thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án về đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 và các nhóm nghiên cứu, xây dựng các đề án nhánh. UBND các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè có trách nhiệm thành lập các tổ nghiên cứu chủ động rà soát các tiêu chí, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các đề án nhánh; định hướng quy hoạch, phát triển đô thị tương lai sau khi chuyển huyện thành quận hoặc TP thuộc TP. |
Nguồn: [Link nguồn]
TP.HCM sẽ dồn sức giải quyết những vấn đề dư luận bức xúc như dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng, dự án Khu đô...