Năm 2024: Nóng hơn, mưa bão nhiều hơn
Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C; hạn hán đe dọa Trung Bộ và Bắc Bộ, trong khi 3-4 đợt xâm nhập mặn sẽ tấn công nhiều khu vực Tây Nam Bộ
Trong bối cảnh nồm ẩm kéo dài ở phía Bắc, nắng nóng gay gắt ở phía Nam, xâm nhập mặn gia tăng ở miền Tây, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2024.
. Phóng viên: Xu thế thời tiết trên cả nước từ nay đến cuối năm 2024 thế nào, thưa ông?
PGS-TS MAI VĂN KHIÊM
- PGS-TS MAI VĂN KHIÊM: Dự báo El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2024 với xác suất 75%-80%. Từ tháng 7 đến tháng 9-2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55%-65%. Với diễn biến về ENSO như dự báo, thời tiết khí hậu nước ta có một số đặc điểm sau:
Dự báo nền nhiệt có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Các đợt nắng nóng tập trung nhiều từ tháng 4 đến tháng 8 ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Các tháng nửa đầu năm 2024, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có nguy cơ thiếu hụt mưa và nguồn nước; đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ít mưa. Vì vậy, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn có khả năng diễn ra gay gắt hơn so với mọi năm.
Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ.
Dự báo từ nay đến tháng 6-2024, ở phía Bắc, tổng lượng mưa xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm; phía Nam phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa trên cả nước có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là ở Trung Bộ và các tỉnh, thành phía Nam.
. Theo dự báo thì không khí lạnh ở Bắc Bộ và nắng nóng ở Nam Bộ sẽ kéo dài đến bao giờ?
- Khoảng ngày 19-3, phía Bắc nước ta sẽ ảnh hưởng bởi một đợt gió mùa Đông Bắc, gây mưa rào và chấm dứt tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn, nồm ẩm, làm Bắc Bộ chuyển rét.
Sau đợt không khí lạnh này, trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 4, thậm chí đến nửa đầu tháng 5-2024, vẫn có các đợt không khí lạnh yếu tác động đến nước ta. Dù vậy, các đợt không khí lạnh này ít khả năng gây rét đậm, rét hại mà thường xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn.
Ngoài ra, nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2024, những đợt không khí lạnh ảnh hưởng có khả năng gây ra tình trạng mưa dông kèm lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Hiện nay đã bắt đầu vào thời kỳ cao điểm mùa khô tại khu vực Nam Bộ. Theo các dự báo mới nhất của chúng tôi, trong 6 tháng tới, nền nhiệt độ trung bình tại khu vực Nam Bộ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C. Từ nay đến tháng 4-2024, do ít mưa nên dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày ở Đông Nam Bộ và lan rộng ra cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Từ khoảng nửa cuối tháng 5-2024, nắng nóng có xu hướng giảm do xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa.
Tình trạng mưa phùn, nồm ẩm ở miền Bắc sắp chấm dứt vì ảnh hưởng bởi một đợt gió mùa Đông Bắc. Ảnh: HỮU HƯNG
. Diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trong năm 2024 có gì khác biệt? Trong mùa mưa bão năm nay, người dân cần quan tâm, lưu ý điều gì?
- Do vừa trải qua đợt El Nino, nhiệt độ bề mặt nước biển nhiệt đới Thái Bình Dương đang cao hơn mức bình thường và còn duy trì trong thời gian tới. Cùng với đó, La Nina có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2024. Đây là những yếu tố bất lợi khiến hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh và bất thường hơn. Dự báo bão sẽ hoạt động mạnh vào các tháng 9, 10, 11.
Thống kê cho thấy trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt mức trung bình nhiều năm ở các tỉnh, thành ven biển Trung Bộ và Nam Bộ. Do đó, người dân và các cơ quan chức năng cần lưu ý để có biện pháp ứng phó.
. Hạn - mặn đang diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL sẽ kéo dài đến khi nào và cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có khuyến cáo gì không, thưa ông?
- Dự báo từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024 sẽ còn khoảng 3-4 đợt xâm nhập mặn mạnh, với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2023. Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ, ranh mặn từ 80-95 km, cửa sông Cửu Long 45-65 km, sông Cái Lớn 45-60 km.
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn - mặn, chúng tôi có một số lưu ý với người dân các địa phương. Theo đó, cần chủ động triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại những khu vực thiếu nước sinh hoạt. Tổ chức vận hành hợp lý các hệ thống công trình thủy lợi; tranh thủ lấy, trữ nước ngọt khi triều thấp để phục vụ nông nghiệp và dân sinh. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước.
Đối với khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng trồng cây ăn trái, người dân nên kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng nước để tránh thiệt hại nếu bị xâm nhập mặn.
Thiên tai khắc nghiệt đã biến những bờ biển thơ mộng tại các trung tâm du lịch như Hội An, Đà Nẵng trở nên xù xì; cuộc sống người dân bị ảnh hưởng...
Nguồn: [Link nguồn]