Năm 2023: Hơn 17.800 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật
Theo Bộ Nội vụ, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người.
Hôm nay (20-12), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành. Trong báo cáo của bộ này, có hơn 17.800 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức (CCVC) trong cả nước bị kỷ luật trong năm 2023. Ngoài ra đã tinh giản biên chế lên đến hàng ngàn người.
TP.HCM sẽ giảm ít nhất 5% công chức và 10% viên chức giai đoạn 2023-2026. Ảnh: NGUYỆT NHI
Tinh giản biên chế hơn 7.000 người
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số cán bộ đảng viên, CCVC bị kỷ luật là hơn 17.800 người. Số lượng cán bộ, CCVC nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người. Trong đó, Trung ương là 983 người (110 công chức, 873 viên chức), địa phương là 9.897 người (866 công chức, 9.031 viên chức).
Liên quan đến tinh giản biên chế, theo Bộ Nội vụ, năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC theo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, xác định đối tượng và thực hiện chính sách tinh giản biên chế linh hoạt, hợp lý hơn theo quy định tại Nghị định 29/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế.
“Từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là hơn 7.150 người. Trong đó, khối Trung ương tinh giản 146 người, khối địa phương tinh giản 7.005 người.”
“Từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là hơn 7.150 người. Trong đó, khối Trung ương tinh giản 146 người, khối địa phương tinh giản 7.005 người” - báo cáo nêu.
Đáng chú ý, tập trung xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, CCVC và cán bộ, công chức cấp xã.
Theo đó, tổng số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 866 vị trí; các đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí; cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.
Bộ Nội vụ cho biết đến nay đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành.
Giảm thêm 140 đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2024
Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành Thông báo Kết luận 114 của trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ sở để triển khai sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao tự chủ về tài chính. Đồng thời thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để đạt mục tiêu Nghị quyết 19 của Trung ương.
Theo đó, dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bao gồm 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang tổng hợp trong phương án sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp), giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm hơn 13,5%).
Cùng với đó, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Cũng theo Bộ Nội vụ, các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong. Theo đó, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm hơn 2.570 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập…
Bộ Nội vụ cũng đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ. Theo đó, đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Triển khai đồng bộ cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 Bộ Nội vụ cho hay năm 2023, bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, CCVC và lực lượng vũ trang. Trong đó, tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023. Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương tại kỳ họp thứ tám và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền ba thông tư thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, CCVC và điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc. Bộ Nội vụ cho biết nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 sẽ tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024 theo Nghị quyết 27. Trong đó, xây dựng nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Ban Công tác đại biểu Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng Bưu điện thành phố Hòa Bình bằng hình thức...