Năm 2018, người chuyển giới mới "tìm được chính mình"
“Nếu sớm nhất phải cuối năm 2018, người chuyển giới mới tìm lại được giới tính thật”, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo
Còn 500.000 người cần tìm lại giới tính thật
Bên lề Hội thảo “Chia sẻ thông tin về vấn đề chuyển giới” ngày 24/5, TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. Những người này, cơ thể sinh học là nam nhưng trong suy nghĩ và hành động lại ngược lại.
Theo ông Quang, do Việt Nam chưa cho phép chuyển giới nên nhiều người có nhu cầu phải ra nước ngoài thực hiện, cả nước hiện có 500 đến 1.000 người ra nước ngoài thực hiện chuyển giới.
Người có nhu cầu chuyển giới không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn, gây tổn thương tâm lý, tình cảm và về mặt xã hội không giảm kỳ thị và phân biệt. Do luật chưa cho phép nên người có nhu cầu phải ra nước ngoài chuyển giới, phần lớn phẫu thuật chui nên chịu nhiều tốn kém về kinh tế, nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, về y học, Việt Nam có thể thực hiện được chuyển giới nhưng Quốc hội có thừa nhận hay không lại cần phải xem xét, phân tích kỹ cả về pháp luật đạo đức, khoa học và thực tiễn.
Ông Quang cho rằng, chuyển giới ở nước ngoài khó nhưng khi về đến Việt Nam họ vẫn gặp trở ngại. Do luật không cho phép nên họ không được công nhận về nhân thân, không được thay đổi giới tính trên giấy tờ nên họ trở thành người vô hình và không được pháp luật thừa nhận.
Ngoài ra, giấy tờ tùy thân không khớp với cơ thể. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự, trong cuộc sống hừang ngày... Do đó, nếu luật cho phép, người chuyển giới sẽ tìm lại được chính mình ngay tại Việt Nam.
Không cho phép đua đòi
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, công nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng muốn hoàn thiện việc này sẽ phải trải qua nhiều thủ tục. Do đó, nếu sớm nhất, phải cuối năm 2018, người chuyển giới mới được công nhận và tìm lại chính mình.
“Nếu luật thông qua, Bộ Y tế sẽ không chấp nhận việc a dua, đua đòi muốn thử làm nữ hoặc làm nam một tí xem sao”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu điều trị chuyển giới. Một số bệnh viện hoàn toàn thực hiện được thủ thuật này như Bệnh viện Việt đức, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Trung ương Huế.
Cũng là người ủng hộ công nhận người chuyển giới, PGS. TS Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Nhi Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật cơ quan sinh dục cho biết, về mặt y học và kỹ thuật hiện nay, nước ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới. Tuy nhiên, về mặt pháp luật thì chưa cho phép.
“Đã có rất nhiều người đến hỏi tôi để phẫu thuật nhưng tôi từ chối, không dám mổ vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm, vì làm là bị đi tù ngay”, PGS.TS Trần Ngọc Bích chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS Trần Ngọc Bích cũng cho biết, hiện chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý và khoa học về vấn đề này. Vì vậy, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong luật và cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta làm thì làm đến đâu cho đúng.