Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương

“Những năm gần đây, nợ công tăng, ngân sách dành trả nợ tăng theo. Dự toán hết sức khó khăn, do đó nếu vượt thu thì sẽ góp phần tăng chi trả nợ, góp phần lành mạnh tình hình ngân sách”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu vấn đề tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2014 chiều 9/10.

Bà Mai cho biết, kết quả thực hiện thu ngân sách 9 tháng đạt 81,3% dự toán, trong đó thu nội địa phản ánh sức khỏe nền kinh tế, đạt 79% so dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ

“So với 2 năm gần đây, đây là mức thu khá. Như thế, nhiều khả năng hoàn thành và vượt dự toán 2014, khả năng vượt 9% so dự toán”, bà Mai nói.

Năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương - 1

Buổi họp báo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, kinh tế bắt đầu phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, GDP 9 tháng vừa qua cũng cao hơn so với năm ngoái và khả năng năm nay sẽ đạt mục tiêu GDP. “Như thế, thu ngân sách cũng dự báo vượt dự toán”.

Tuy nhiên, bà Mai cho biết, dù mức thu vượt 9% nhưng ngân sách những năm gần đây khó khăn nên chưa bố trí đủ vốn cho an sinh xã hội. Vì thế sẽ dành một phần tăng chi để trả nợ. Những năm gần đây, nợ công tăng, ngân sách dành trả nợ tăng theo. Dự toán hết sức khó khăn, do đó nếu vượt thu thì sẽ góp phần tăng chi trả nợ, tăng chi cho an sinh xã hội còn thiếu như tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách, kinh phí cho những người có công, xây dựng nhà ở, phòng chống bão lũ…

“Đó là những yêu cầu cấp bách ngân sách phải lo, chưa kể những nhu cầu ngân sách đột xuất khác”, bà Mai nói.

Trước đó, trong phiên điều hành thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10, Phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt vấn đề: “2014 đã hoãn tăng lương, 2015 cũng không thể bố trí nguồn, dư luận hơi băn khoăn, nhưng nếu tăng lương thì tiền ở đâu? “.

Tại buổi họp UBTVQH sáng qua (9/10), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh "không thể không tăng lương được đâu". Chủ tịch Quốc hội nói, tinh thần quốc gia phải kiếm ra được tiền, ngân sách không thể chỉ làm ra để ăn, thậm chí ăn hết cả phần dự trữ.   

Cũng chia sẻ về quan điểm ngân sách không có tiền để tăng lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: không nên nói “cứng” là không tăng lương mà Bộ Tài Chính cần phải tính toán thêm cách nào đó hay không? Xem thu và chi của chúng ta hiện nay có cân đối hay không?

“Không tăng lương đối với cán bộ công chức thì có thể hiểu được vì họ đã có thu nhập, còn không tăng lương đối với những người được hưởng lương hưu, đối tượng trợ cấp xã hội thì các đồng chí phải xem xét lại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tính toán lại cơ cấu chi ngân sách hợp lý, bao nhiêu % chi thường xuyên là chi cho lương, còn lại bao nhiêu % là chi để trả nợ nhằm đảm bảo cân đối thu chi hợp lý. 

Chủ tịch cũng nhấn mạnh, chi ngân sách năm sau cần đảm bảo chi 50% là chi thường xuyên, 30% chi đầu tư phát triển và 20% chi cho trả nợ.

Về tăng thu để tăng chi, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Tôi tính sơ sơ năm nay thu ngân sách cũng phải lên đến con số 80.000 tỷ đồng, sao chúng ta đặt ra thu ngân sách năm nay chỉ  50.000 tỷ đồng. Nếu không tăng thu được, chúng ta phải vay, đảo nợ khiến bội chi Ngân sách tăng lên. Nếu thu ít, chúng ta lấy đâu để chi, rồi lấy bao nhiêu % trong thu đó để trả nợ nước ngoài, khi trả nợ từ năm 2015 – 2020 là rất lớn. 

Ngoài ra, thảo luận về việc hoãn tăng lương cơ sở năm 2015, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN