Na Uy tính phạt tù cả ăn xin lẫn người bố thí
Các nghị sĩ Na Uy đang thảo luận về luật cấm người ăn xin, vô gia cư hoạt động trên đường phố trên quy mô toàn quốc và thậm chí còn tính phạt tù cả những người bố thí tiền, thức ăn, chỗ ngủ nghỉ cho những đối tượng này.
Theo dự thảo luật, hành vi ăn xin trên đường phố sẽ bị phạt hành chính và thậm chí bị phạt tù một năm. Đây là nội dung dự thảo luật đầu tiên, bắt đầu được đưa ra thảo luận, xem xét hồi tháng 6 năm ngoái.
Người ăn xin và vô gia cư ở Na Uy có thể bị cấm hoạt động trên phạm vi cả nước.
Sau khi sửa đổi và mở rộng, các nghị sĩ Na Uy thậm chí còn muốn áp dụng các hình phạt với cả những người bố thí cho ăn xin, vô gia cư từ tiền bạc, đồ ăn cho tới chỗ ngủ nghỉ hoặc bất kỳ sự giúp đỡ nào khác. Dự luật này sẽ được đưa ra bàn bạc, thảo luận từ nay cho đến ngày 15.2.Dự luật cấm ăn xin trên đường phố được đưa ra ở Na Uy hồi năm ngoái, sau khi các cuộc thăm dò cho kết quả rằng, hơn 60% người dân Na Uy nhất trí cho rằng, nên xem đây là hành vi phạm pháp.
Theo các báo cáo chính phủ, Na Uy, đất nước chỉ có 5 triệu dân nhưng hiện có tới 1.000 người ăn xin, vô gia cư. Trong khi đó, phần lớn ăn xin là người nước ngoài. Họ thường tụ tập "làm ăn" theo nhóm trên các đường phố.
Năm ngoái, chính phủ Na Uy cho phép các chính quyền địa phương áp đặt lệnh cấm ăn xin trong các khu vực họ kiểm soát. Tuy nhiên, dự luật mới nếu được phê chuẩn sẽ cho phép lệnh cấm ăn xin có hiệu lực trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, các nghị sĩ Na Uy cũng đề nghị cảnh sát cần truy quét, bắt giữ những người điều hành, tổ chức các nhóm ăn xin trên đường phố.
"Đó là cách để chúng ta phá vỡ các nhóm (ăn xin) có tổ chức. Chúng ta cần trao cho cảnh sát quyền truy quét những người tổ chức, điều hành các nhóm ăn xin", ông Vidar Brien-Karlsen, quan chức cấp cao tại Bộ Tư pháp Na Uy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dự luật trên cũng gây tranh cãi gay gắt khi nhiều người cáo buộc lệnh cấm ăn xin sẽ ảnh hưởng đến những người nghèo khổ, dễ bị tổn thương nhất trong nước.
"Đất nước giàu nhất châu Âu đang bần cùng hóa những người nghèo khổ nhất châu Âu", thành viên của Đảng Xã hội Cánh tả Karin Andersen cáo buộc.
Ngoài ra, một số người cũng cho rằng, rất khó để xác định trường hợp nào là ăn xin thực sự, trường hợp nào là giả để áp đặt lệnh cấm đối với họ.
"Tất cả chúng ta đều có quyền được thể hiện lòng tốt của mình và giúp đỡ người khác. Tất nhiên, chính phủ sẽ không kết tội ai chỉ vì chúng ta cho người khác một tách cafe. Tuy nhiên, theo dự luật mới, chúng ta có thể phải đối mặt với việc bị truy tố", nghị sĩ Karin Andersen nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số người cũng lo ngại lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến các công tác thiện nguyện do người làm thiện nguyện có thể bị truy tố. Song một vài người vẫn tuyên bố, sẽ tiếp tục giúp đỡ người ăn xin, vô gia cư.
Ông Inger Husby, còn được gọi là Mama Inger, người thường xuyên tham gia các công tác thiện nguyện nhấn mạnh: "Tôi phản đối việc trừng phạt những người muốn giúp đỡ người khác nghèo hơn và đang gặp khó khăn hơn họ".