Mỹ: Xôn xao vụ kiện về hiến tinh trùng
Trong những ngày này, truyền thông Mỹ đua nhau đăng tải một vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ, khi một người đàn ông hiến tinh trùng bị buộc phải chu cấp tiền nuôi dưỡng cho đứa trẻ ra đời theo phương pháp nhân tạo, cho dù trước đấy đương sự đã ký giấy cam đoan khước từ quyền làm cha của mình.
Vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Mỹ với nguyên đơn là Văn phòng Bảo vệ quyền lợi gia đình và trẻ em (ORFC) trực thuộc chính quyền tiểu bang Kansas, còn bị đơn là ông William Marotta, 46 tuổi thợ cơ khí ở thành phố Topeka, thủ phủ của tiểu bang. Nhằm đáp ứng lời cầu khẩn qua trang quảng cáo trực tuyến Craigslist, W. Marotta đã đồng ý cung cấp tinh trùng của mình cho một cặp uyên ương đồng tính nữ là Jennifer Schreiner 34 tuổi và Angela Bauer 40 tuổi.
Đến tháng 3/2009, cả 3 người đã chấp bút ký bản hợp đồng trên giấy trắng mực đen, rằng người hiến tinh trùng không bị ràng buộc bất cứ trách nhiệm nào với đứa trẻ sắp sinh ra. Đồng thời họ cũng thỏa thuận trong giấy khai sinh sẽ chỉ ghi tên mẹ là Jennifer Schreiner, còn mục người cha để trống.
William Marotta, người hiến tinh trùng "làm ơn mắc oán" (Ảnh: Cjonline)
Mọi chuyện bắt đầu rắc rối khi bà mẹ bé gái chia tay người tình đồng giới vào cuối năm 2010 sau 8 năm chung sống, rồi gửi đơn yêu cầu ORFC hỗ trợ tài chính để nuôi con nhỏ và được chấp thuận. Trong quá trình bổ túc hồ sơ cho ngân sách trợ cấp của năm kế tiếp, ORFC phát hiện ra rằng, do luật pháp bang Kansas không công nhận hôn nhân đồng tính, nên J. Schreiner không được coi là một bà mẹ độc thân và được yêu cầu phải tiết lộ tên của "cha đẻ" tức là người đã cho tinh trùng.
Thoạt tiên, J. Schreiner từ chối cung cấp danh tính của người đàn ông đã giúp con cô chào đời, nhưng trước áp lực từ ORFC là bé gái sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế theo chương trình Medicaid của nhà nước với chi phí rất cao nếu bà mẹ tự trang trải, nên rốt cục J. Schreiner buộc phải đồng ý viết vào tờ khai bổ sung. Theo bản khai thì đó là W. Marotta, người được sự chấp thuận từ vợ và 2 người con đã trưởng thành cho hành động nhân văn của mình. Nhưng khi ORFC tiếp xúc với W. Marotta thì đương sự không thừa nhận mình là cha đứa trẻ được ông hiến tinh trùng, dựa theo bản hợp đồng đã ký với người mẹ trước khi bé chào đời.
Cặp vợ chồng đồng tính A. Bauer (trái) và J. Schreiner lúc còn mặn nồng (Ảnh: Cjonline)
ORFC liền đệ đơn lên Tòa án thành phố Topeka chính thức khởi kiện W. Marotta vào đầu tháng 10/2012. Trong phiên điều trần đầu tiên do tòa triệu tập vào ngày 8/1 vừa qua, vị đại diện ORFC cho rằng, bản giao kèo là không hợp lệ, do việc thụ tinh nhân tạo của đương sự không thực hiện theo đúng các quy định của Đạo Luật ban hành năm 1994 về lĩnh vực này. Theo đó việc thụ tinh nhân tạo phải được thực hiện tại một bệnh viện chuyên ngành với các thiết bị y tế đầy đủ. Trong khi J. Schreiner tự rao tìm người cho tinh trùng, mà không đến các bệnh viện chuyên khoa về thụ tinh nhân tạo với chi phí khoảng 3.000 USD có hóa đơn xác nhận. Khoản kinh phí này sẽ được ORFC trang trải cho các trường hợp thuộc dạng bà mẹ độc thân.
Đại diện ORFC lập luận trước tòa rằng: Chiểu theo luật hiện hành của tiểu bang Kansas, thì W. Marotta là người cha hợp pháp nên phải có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé. Căn cứ vào đạo luật nói trên, người hiến tinh trùng sẽ không được coi là cha của đứa trẻ dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên môn, chứng thực người nhận không phải là vợ theo hôn thú của đương sự. Nhưng thay vì hành động với sự hiện diện của thầy thuốc chuyên khoa, bị đơn lại đi cung cấp tinh trùng của mình tại nhà cặp vợ chồng đồng tính vào tháng 12/2009, để 2 phụ nữ... tự xử lý việc thụ tinh nhân tạo bất chấp rủi ro có thể xảy ra. Kết quả là J. Schreiner đã mang thai rồi sinh ra một bé gái.
Bản giao kèo giữa 2 bên lập cuối tháng 3/2009 bị cho là trái phép. Ảnh: Cjonline
Có mặt tại Tòa án thành phố Topeka, trong vai người có trách nhiệm liên quan, J. Schreiner khẳng định không muốn bất cứ khoản chu cấp nào từ người hiến tinh trùng, bởi ông Marotta đơn thuần chỉ là một người trợ giúp cho việc đậu thai được suôn sẻ. Quan hệ giữa họ chỉ giới hạn ở mức độ này và không có gì ràng buộc với đứa trẻ đã sinh ra 3 năm trước.
Còn đại diện ORFC thông báo đã chính thức cắt trợ cấp nuôi con nhỏ của J. Schreiner kể từ đầu năm 2013, đồng thời đòi bị đơn W. Marotta phải chu cấp cho bé gái đến tuổi trưởng thành, cũng như bồi hoàn lại cho ngân sách thành phố 6.000 USD, là số tiền mà J. Schreiner đã nhận với tư cách là một bà mẹ đơn thân trong hai năm trước đó.
Sự kiện chính quyền ở Kansas từ chối cấp phúc lợi cho một đứa trẻ ra đời qua phương pháp thụ tinh nhân tạo, lại còn buộc người hiến tinh phải chu cấp tiền nuôi dưỡng đã tạo nên một làn sóng phản đối rộng khắp trên mặt báo. Độc giả tranh luận không ngớt về quan điểm của ORFC, đi ngược lại bản chất nhân đạo vốn có trong các chính sách của nhà nước dành cho bà mẹ và trẻ em.
Được biết phiên điều trần kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 9/4 sắp tới. Theo tạp chí Topeka Capital thân cận với giới tư pháp địa phương, thì phiên xử được dự kiến sẽ bắt đầu sau 5 tháng nữa theo lịch làm việc của tòa án.