Mỹ: Triều Tiên bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa

Tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Ngày 6/2, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên đã có những bước đi đầu tiên trong việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa di động có khả năng bắn tới một phần lãnh thổ của nước Mỹ.

Trong bản đánh giá Nguy cơ Toàn cầu hàng năm của mình, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho biết “Triều Tiên đã bắt đầu triển khai hệ thống này trên thực địa mặc dù vẫn chưa tiến hành vụ bắn thử nào.”

Mỹ: Triều Tiên bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa - 1

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper

Sự tiến bộ trong chương trình tên lửa của Triều Tiên cùng với quan ngại về các chương trình vũ khí của Iran chính là những yếu tố cơ bản để Mỹ tiếp tục triển khai chương trình phòng thủ tên lửa mặt đất trị giá 34 tỉ USD do Boeing quản lý, mặc dù chương trình này chưa từng một lần đánh chặn thành công trong các cuộc thử nghiệm từ năm 2008.

Trong báo cáo mới nhất của mình công bố hồi năm ngoái, Trung tâm Tình báo Không gian Vũ trụ Quốc gia thuộc Không quân Mỹ cho biết tên lửa Hwasong-13 hay còn gọi là KN-08 có tầm bắn tối đa khoảng 5.500 km, đủ để bắn tới vùng Alaska của Mỹ.

Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích chuyên theo dõi các diễn biến tên lửa của Triều Tiên cho rằng ông hoài nghi tuyên bố của Clapper cũng như tác động thực tế của nó.

Ông Greg Thielmann, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington nhận định: “Điều quan trọng nhất chúng ta biết về hệ thống tên lửa này là chúng chưa từng được bắn thử. Chúng ta chưa có bất cứ bằng chứng vững chắc nào cho thấy Triều Tiên đang tiến gần hơn tới việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa di động.”

Mỹ: Triều Tiên bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa - 2

Tên lửa KN-08 xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng

Ông Thielmann cho rằng việc xác định Triều Tiên có sở hữu hệ thống tên lửa đạo đạo bắn xa được như vậy hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc nước này có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn được vào tên lửa này hay không. Đây là thách thức về mặt kỹ thuật mà Triều Tiên chưa thể giải quyết trong tương lai gần.

Markus Schiller, một chuyên gia phòng thủ tên lửa ở Munich, Đức cho rằng chưa có bất kỳ người nào nhìn thấy một tên lửa KN-08 đích thực, và hai quả tên lửa Triều Tiên “khoe” trong các cuộc diễu binh có thể chỉ là đồ giả.

Tướng Mỹ về hưu James Thurman từng phụ trách lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc cho biết mặc dù việc đánh giá năng lực tên lửa đầy đủ của Triều Tiên là “rất khó khăn”, song nó cũng cho thấy “tham vọng không ngừng nhằm phát triển tên lửa tầm xa” của nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN