Mỹ toan tính gì khi đưa thêm 450 quân tới Iraq?

Việc điều thêm cố vấn quân sự tới Iraq chứng tỏ chiến lược chống IS hiện nay của Mỹ đang rơi vào thế bế tắc.

Ngày 10.6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn kế hoạch gửi thêm 450 cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq nhằm “vực dậy” lực lượng quân đội Iraq vốn bị chê là “không có tinh thần chiến đấu” trước phiến quân IS.

Theo các chuyên gia phân tích, quyết định này của ông Obama thực chất là một cuộc “thay ngựa giữa dòng”, một sự điều chỉnh cần thiết đối với chiến lược vốn đã thất bại trong mục tiêu làm suy yếu và tiêu diệt IS suốt một năm qua.

Mỹ toan tính gì khi đưa thêm 450 quân tới Iraq? - 1
Mỹ quyết định điều thêm cố vấn quân sự để vực dậy quân đội Iraq chống IS

Ông Douglas Ollivant, một cựu cố vấn Nhà Trắng nhận định: “Đây chỉ là sự điều chỉnh chiến thuật đối với một chiến lược lớn. Nhìn chung, chẳng có gì thay đổi cả”.

Số cố vấn quân sự mới được bổ sung này sẽ đóng quân ở căn cứ Taqaddum gần thành phố Habbaniya, phía đông tỉnh Anbar, nơi phiến quân IS đang chiếm giữ nhiều làng mạc, thị trấn. Các cố vấn này sẽ huấn luyện quân sự cho lực lượng an ninh Iraq tại căn cứ al-Asad gần đó.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Các cố vấn mới này sẽ tìm cách nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng Iraq, trong đó có các chiến binh bộ lạc địa phương, cải thiện khả năng lên kế hoạch, chỉ huy và thực hành tác chiến chống IS ở phía đông Anbar”.

Việc dồn hết số cố vấn này về tỉnh Anbar cho thấy Mỹ đang đặt ra mục tiêu lớn trước mắt là tái chiếm thành phố chiến lược Ramadi, thủ phủ của tỉnh này, vốn bị rơi vào tay IS sau khi quân đội Iraq tháo chạy tán loạn hồi tháng trước.

Mỹ toan tính gì khi đưa thêm 450 quân tới Iraq? - 2
IS dễ dàng chiếm được thành phố Ramadi sau một cuộc tấn công chớp nhoáng

Tuy nhiên, ông Earnest cũng một lần nữa khẳng định rằng các cố vấn Mỹ sẽ không trực tiếp tham chiến với IS hay đi theo các đơn vị lính Iraq để chỉ thị mục tiêu không kích cho chiến đấu cơ.

Sự điều chỉnh này cũng được coi là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã nhận ra rằng chiến lược “làm suy yếu và tiêu diệt” IS của họ đã không tỏ ra hiệu quả ở Iraq và Syria, khi họ đã không lường hết được những phức tạp trên chiến trường chống IS.

Trong suốt 1 năm qua, khoảng 3000 cố vấn Mỹ ở Iraq chỉ tập trung huấn luyện cho các binh sĩ và dân quân người Shia, trong khi hoàn toàn “phớt lờ” lực lượng dân quân người Sunni với nỗi lo ngại rằng một bộ phận người Sunni có thể sẽ ủng hộ phiến quân IS.

Nhưng việc đưa các cố vấn mới tới Habbaniya, khu vực có đông người Sunni sinh sống, chứng tỏ Mỹ đã chú ý hơn tới lực lượng quan trọng này, và bắt đầu đặt niềm tin vào họ. Việc đưa cố vấn và binh sĩ Mỹ vào một căn cứ được bảo vệ cẩn mật sẽ tạo ra một khu vực an toàn để thu hút dễ dàng các chiến binh người Sunni tham gia huấn luyện.

Ông Ollivant nói: “Người Sunni không hề muốn rời khỏi mảnh đất của mình, thế nên người Mỹ phải tìm đến với họ. Mỹ đang hy vọng sẽ thu hút được nhiều hơn chiến binh người Sunni tham gia cuộc chiến chống IS. Đây sẽ là chiếc chìa khóa không chỉ giải quyết vấn đề về nhân lực, mà còn để đảm bảo rằng những người chịu nguy hiểm lớn nhất trong cuộc chiến chống IS sẽ được đầu tư đầy đủ”.

Mỹ toan tính gì khi đưa thêm 450 quân tới Iraq? - 3
Các chiến binh bộ lạc người Sunni ở Iraq

Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi trong kế hoạch mới của ông Obama. Họ cho rằng Mỹ đã lãng phí quá nhiều thời gian ở Iraq, và nhiều bộ tộc người Sunni cảm thấy bị cả Mỹ lẫn chính phủ Iraq bỏ rơi đã tìm đến với IS như một cách để tự bảo vệ mình.

Một cựu chỉ huy quân sự Mỹ từng tuyển mộ người Sunni để chiến đấu chống phiến quân al Qaeda ở Iraq trong giai đoạn 2003-2011 cho biết: “Người Mỹ đã đánh mất hết niềm tin mà người Sunni đã có trong giai đoạn trước đây. Giờ Mỹ không thể nào thiết lập được mối liên hệ đáng kể, có ý nghĩa với các chiến binh bộ tộc Sunni nữa”.

Việc chính quyền Baghdad điều lực lượng dân quân người Shia tới Anbar để chiến đấu chống lại phiến quân IS cũng làm phức tạp hóa tình hình, khoét sâu mối hận thù giữa người Shia với người Sunni, và càng đẩy người Sunni ra xa Mỹ hơn nữa.

Trong khi các chiến binh người Kurd đã chiến đấu rất kiên cường và bảo vệ được quê hương mình trước làn sóng tấn công của IS, lực lượng quân đội Iraq và các chiến binh người Shia được trang bị hùng hậu đã không thể làm gì để ngăn chặn IS củng cố quyền lực của mình ở Ramadi và các khu vực lân cận, đẩy cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu vào thế bế tắc chưa có lời giải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN