Mỹ: Thiếu nữ cắt chân vì quá đau đớn

Quá đau đớn với bàn chân dị tật, cô gái trẻ quyết định cưa chân để sống tốt hơn.

Suốt quãng đời thiếu nữ của mình, cô gái Lacey Phipps không thể rời khỏi chiếc xe lăn vì hai bàn chân cô bị khoèo và biến dạng đến mức 11 cuộc phẫu thuật đã không thể giúp cô có thể đứng dậy được.

Khoèo chân là một khuyết tật bẩm sinh khiến hai bàn chân lệch ra khỏi vị trí bình thường, khiến cho bệnh nhân rất khó khăn khi đi lại. Ở Mỹ, hơn 95% số người bị khoèo chân có thể được chữa trị từ nhỏ mà không cần phẫu thuật bằng cách bó bột để nắn khuôn bàn chân theo phương pháp Ponseti.

Tuy nhiên, cô bé Phipps được sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh ở Ireland lại không được may mắn như vậy khi các bác sĩ ở đây không biết đến phương pháp này và quyết định mổ cho cô để chỉnh hình xương, và 11 lần phẫu thuật như thế đã diễn ra.

Mỹ: Thiếu nữ cắt chân vì quá đau đớn - 1

Bàn chân của Lacey Phipps trước khi bị cắt bỏ

Có lần, bác sĩ phẫu thuật cho cô đã không dùng thuốc gây tê mà chỉ dùng dây cao su để buộc garo giảm đau cho bệnh nhân. Một lần khác, bác sĩ phẫu thuật dọa sẽ cắt chân của Phipps khi cô bé bị gây mê, khiến Phipps khóc lóc thảm thiết đến nỗi ca mổ phải hoãn lại.

Phipps đã phải gặp hết bác sĩ phẫu thuật này đến bác sĩ chỉnh hình khác, tống hàng đống thuốc giảm đau vào người sau mỗi cuộc phẫu thuật thất bại, thế nhưng đôi chân cô vẫn không thể nào lành lặn như xưa mà ngày một tệ hại hơn. Thế rồi đến một ngày, cô gái trẻ đưa ra một quyết định làm cả gia đình bị sốc và thay đổi cả cuộc đời cô.

Cô gái tuyên bố với các bác sĩ: “Hãy cưa chúng đi, cháu chán phải ngồi xe lăn lắm rồi. Cháu không muốn tiếp diễn cái cảnh ngồi nhìn mọi người chạy nhảy, trong khi cháu không thể tự mình làm được việc gì.”

Sau khi cân nhắc, các bác sĩ đã quyết định thực hiện theo đúng nguyện vọng của cô gái, và hai bàn chân cô được tháo khớp sau đó.

Mỹ: Thiếu nữ cắt chân vì quá đau đớn - 2

Cô gái tập đi sau khi phẫu thuật cắt bỏ 2 chân

Giờ đây, với đôi chân giả được lắp ngay dưới đầu gối, Phipps lại có thể đi xe đạp đến trường, đi leo núi vào dịp cuối tuần và chơi đùa cùng bạn bè ở bang Texas, Mỹ. Cô thậm chí còn tham gia vào một nhóm nhảy địa phương và đi tập gym ba lần mỗi tuần.

Phipps là một trong những người mà các bác sĩ và chuyên gia gọi là thế hệ thanh niên trẻ, năng động, những người đã khiến giới y học phải thay đổi cách nhìn về phương pháp cắt bỏ chi.

Trước đây, các bác sĩ thường tìm cách ngăn không cắt bỏ chi bằng mọi giá. Thế nhưng với sự tiến bộ của công nghệ làm chân tay giả, vốn phát triển rất mạnh ở Mỹ sau cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, quan niệm này của các bác sĩ đã thay đổi cùng với mong muốn được hưởng cuộc sống năng động hơn của nhiều bệnh nhân.

Mỹ: Thiếu nữ cắt chân vì quá đau đớn - 3

Phipps tham gia vào một khóa leo núi với đôi chân giả

Cách đây từ 10-15 năm, phương pháp cắt bỏ chi có chọn lọc thường bị mọi người nguyền rủa thì nay đó lại là một lựa chọn khả quan cho những người bị khuyết tật bẩm sinh và chấn thương.

Phipps đã phải mất hơn 37 ngày để hồi phục sau khi phẫu thuật cắt bỏ hai chân. Sau đó, cô học cách đi lại với chân giả chỉ trong vòng ba ngày, và chưa đầy vài tháng sau, cô đã có thể đi học leo núi cùng bạn bè.

Cô gái trẻ đầy nghị lực này luôn muốn truyền tải một thông điệp cuộc sống: “Tôi muốn chứng minh một điều rằng chúng ta có thể làm được những điều mà xã hội cho là không thể.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN