Mỹ sợ gì ở Triều Tiên?

Dù Triều Tiên liên tục dùng lời lẽ mạnh bão dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ, một số chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo Triều Tiên chỉ đang “diễn”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị tên lửa sẵn sàng tấn công nước Mỹ và tổ chức cuộc họp lúc nửa đêm để thông qua “Kế hoạch tấn công đất Mỹ”. Hồi đầu tháng, các tướng lĩnh nước này tuyên bố Bình Nhưỡng đang phát hiện đầu đạn hạt nhân “phong cách Triều Tiên” có thể gắn vào tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, những hệ thống tên lửa mà nhà lãnh đạo Kim đe dọa Mỹ được đánh giá là chưa đủ khả năng vươn tới bờ biển Mỹ. Chưa có bằng chứng nào cho thấy vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã đủ nhỏ để gắn lên tên lửa. Và bức ảnh chụp cảnh đổ bộ trên bãi biển kiểu Normandy cách đây ít ngày có vẻ là sản phẩm của đồ họa, khiến nhiều người băn khoăn liệu quân đội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có giữ được sức mạnh như đội quân của ông nội Kim Nhật Thành hồi những năm 1950?

Tất cả những nước sắp thực hiện kế hoạch quân sự lớn sẽ không bao giờ để người ngoài biết về kế hoạch của mình.

“Những mệnh lệnh tấn công như vậy luôn được đưa ra một cách bí mật. Chúng tôi tin rằng Triều Tiên đang chơi đòn tâm lý bằng cách loan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông”, Kim Min-seok, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nói.

Mỹ sợ gì ở Triều Tiên? - 1

Bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp khẩn cấp lúc nửa đêm với các tướng lĩnh hôm 28/3 được hãng thông tấn KCNA đăng tải

Trên thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không “khoe” điều mà chính quyền Obama lo ngại nhất. Những cuộc tấn công tin tặc vào hệ thống ngân hàng và các đài truyền hình của Hàn Quốc cách đây 2 tuần đã thành công một cách bất ngờ, giống như vụ tấn công bằng ngư lôi phá hỏng tàu hải quân Cheonan khiến 46 thủy thủ của Hàn Quốc thiệt mạng cách đây 3 năm. Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận đã thực hiện những hành động này, trong khi Mỹ và Hàn Quốc khăng khăng Triều Tiên là thủ phạm.

“Chúng tôi tin rằng Kim Jong-un đang củng cố địa vị của chính mình trong lòng người dân và quân đội trong giai đoạn mới lên cầm quyền”, một quan chức cao cấp của Mỹ nhận xét hôm 29/3. “Chúng tôi lo ngại điều ông ta sắp làm, nhưng không phải những điều ông ta đe dọa sẽ làm”.

Vụ tấn công tin tặc và đánh chìm tàu đều có điểm chung: rất khó tìm ra bằng chứng gì để quy tội cho Triều Tiên, ít nhất là cho đến lúc này. Vì thế, rất khó để Mỹ hay Hàn Quốc có thể đáp trả, và trên thực tế là Hàn Quốc chưa bao giờ tấn công bằng quân đội để trả đũa vụ Cheonan, ngay cả sau khi các chuyên gia bên ngoài kết luận nguyên nhân vụ chìm tàu là do ngư lôi.

Đối với các chuyên gia về Triều Tiên tại Washington và Seoul, có một số điểm giống nhau trong những lời đe dọa của Triều Tiên nhằm “đưa Nhà Trắng vào tầm bắn của tên lửa tầm xa”. Lời đe dọa ấy cũng giống lời tuyên bố vào những năm 1990 rằng Seoul sẽ trở thành “biển lửa” – thuật ngữ được báo chí Triều Tiên sử dụng lại trong những ngày gần đây – nhằm chiếm được ưu thế trên bàn đàm phán kinh tế. Đồng thời, căng thẳng với bên ngoài tạo ra cơ hội cho chính phủ cải thiện vị trí trong lòng người dân. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một nhà lãnh đạo trẻ chưa có nhiều trải nghiệm như ông Kim Jong-un.

Chỉ là màn kịch vụng?

Theo thông tin tuyên truyền của báo chí nhà nước Triều Tiên, Triều Tiên là quốc gia nhỏ bé bị các thế lực thù địch bên ngoài chèn ép, nhưng vẫn tồn tại sau nhiều thập kỷ chịu cấm vận và cuối cùng vẫn đứng dậy vững vàng bên cạnh đồng minh lâu đời là Trung Quốc trước kẻ thù Mỹ - tất cả là nhờ tài lãnh đạo ưu tiên quân đội của gia đình họ Kim và kho vũ khí hạt nhân của đất nước.

Trong hoàn cảnh đó, chuyến đi của ông Kim Jong-un tới hỏn đảo biên giới bằng chiếc thuyền gỗ - được thiết kế để tạo ra mô-típ giống bức họa sơn dầu Washington Crossing the Delaware của họa sĩ người Mỹ gốc Đức Emanuel Gottlieb Leutze năm 1851 – nhằm khắc họa hình ảnh một nhà lãnh đạo “dám làm và can đảm”, như báo Rodong giải thích. Báo Rodong thuộc Đảng Lao động Triều Tiên nói về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên: “Hãy để những tên đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai biết! Chúng ta không dễ bị đánh bại như Iraq hay Libya”.

Trong chiến dịch tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên, ông Kim Jong-un được mô tả là “vị đại tướng có ý chí sắt đá vĩ đại, được các tướng lĩnh và nhân dân ngưỡng mộ”, Lee Sung-yoon, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Luật và ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts, nhận xét. “Đối với Kim 3, ảo tưởng là thực tế”.

Nếu đó chỉ là ảo tưởng, thì việc duy trì ảo tưởng cũng đòi hỏi lắm công sức, với nhiều chuyến thăm tới các đơn vị quân đội, cùng rất nhiều cuộc họp nửa đêm với các tướng lĩnh. Tuy nhiên, theo báo New York Times, đôi khi nhà lãnh đạo Kim lại trở thành một diễn viên vụng về.

Ví dụ, báo chí Triều Tiên hôm 12/3 đăng tải một bức ảnh nhà lãnh đạo Kim đến thăm một hòn đảo nằm trong tầm bắn của hải quân Hàn Quốc và đe dọa “sẽ cắt họng kẻ thù”. Nhưng nhà lãnh đạo này đã đi đến khu vực mà ông gọi là thùng thuốc súng bằng chiếc thuyền gỗ nhỏ không có vũ khí như có thể thấy trong một bức ảnh khác.

Hồi đầu tuần, Triều Tiên tung ra bức ảnh chụp ông Kim giám sát đội thuyền bay đổ bộ vào bãi biển phủ tuyết ở vùng phía đông. Nhưng giới phân tích và các nhà báo không mất nhiều thời gian để kết luận bức ảnh đã được chỉnh sửa bằng Photoshop để nhân bản thuyền cho “hoành tráng”.

Vừa hôm qua, những bức ảnh được báo chí nhà nước Triều Tiên đăng tải cho thấy nhà lãnh đạo Kim có vẻ đã tổ chức một cuộc họp lúc nửa đêm để thông qua “kế hoạch tấn công Mỹ”. Một bản đồ quân sự sau lưng các tướng lĩnh thể hiện các mũi tiến công của Triều Tiên vào một số thành phố chính của Mỹ. Ngay cả khi Triều Tiên có tên lửa đủ khả năng tấn công như vậy, thì liệu Bình Nhưỡng tấn công Mỹ thật hay không? Nếu làm như vậy, Triều Tiên chẳng khác nào sẽ tự tử.

“Chúng tôi đang cố gắng đưa ông ta trở lại ghế đàm phán. Cách đây 1 năm, Mỹ và Trung Quốc nhìn thấy ít nhất một khả năng có thể thiết lập quan hệ kinh tế với ông ta. Nhưng giờ cơ hội đó đã biến mất”, Jonathan D. Pollack, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận xét.

Hôm nay, Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với “Mỹ và bù nhìn”. Khi nhiều người lo ngại lời lẽ mạnh  miệng của ông Kim Jong-un sẽ có thể dẫn tới xung đột quân sự, Pollack cho rằng điều này không có tác dụng ngăn cản hai đợt tập trận quân sự kéo dài tới hết tháng 4 của Mỹ và Hàn Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo NYT) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN