Mỹ sắp thử "lá chắn" chống tên lửa Triều Tiên
Lầu Năm Góc dự định sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm “thực tế” hệ thống đánh phòng thủ tên lửa mới trong tháng này, nhằm ngăn chặn những đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên.
“Cuộc thử nghiệm rất thực tế, mô phỏng một đe dọa mà chúng ta có thể đối mặt từ Triều Tiên”, Phó Đô đốc James Syring, người đứng đầu Cơ quan phòng phủ tên lửa Mỹ, phát biểu trước Thượng viện Mỹ. “Chúng ta sẽ thử nghiệm ở khoảng cách hàng nghìn km, đánh chặn những tên lửa tốc độ cao rất giống với đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên.”
Ông James Syring cho biết loại tên lửa sắp được thử nghiệm là loại tên lửa đánh chặn tầm trung mặt đất (GMD), nhưng ông không tiết lộ thời gian chính xác của cuộc thử nghiệm. Lầu Năm Góc dự định sẽ triển khai thêm 14 tên lửa đánh chặn GMD.
Quan chức của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng đe dọa từ Triều Tiên “rất thực tế”, khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 3 vừa qua và giới thiệu các tên lửa đạn đạo tầm xa tại một lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ông Syring cho biết đó là lý do tại sao quân đội Mỹ cần một radar phát hiện tầm xa mới.
“Sự quan trọng của radar là cung cấp cho chúng ta khả năng phát hiện cần thiết để chống lại đe dọa từ Triều Tiên”, ông Syring cho biết. Cơ quan phòng phủ tên lửa Mỹ hy vọng hệ thống radar mới ở Alaska sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Ông Syring không trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc.
Các quan chức Mỹ dường như đã bắt đầu xem xét đưa một hệ thống THAAD tới Hàn Quốc, nhưng kịch bản tốt nhất đối với Washington là Seoul đồng ý mua hệ thống hiện đại và tốn kém này. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định không có kế hoạch mua hệ thống THAAD mà muốn phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa riêng.
Các quan chức Hàn Quốc lo ngại về những bất lợi khi chính thức tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ đứng đầu. Điều này không chỉ gây ra những bất ổn chính trị trong nước mà còn gây thù địch với nước láng giềng Trung Quốc.