Mỹ sẵn sàng dùng “siêu bom” đánh Iran
Một loại bom phá boongke có sức công phá lớn nhất từng được Mỹ phát triển đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng nếu cần thiết để tấn công những nước mà Washington coi là “kẻ thù” như Iran.
“Nếu cần ngay lúc này, chúng tôi sẵn sàng hành động”, Tư lệnh Không quân Mỹ Michael Donley cho biết. “Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm loại bom này để hiệu chỉnh khả năng của nó và việc này đang được thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin với cấu hình hiện tại”.
Lầu Năm Góc đã bỏ ra 330 triệu USD để phát triển và chuyển giao hơn 20 quả bom phá boongke MOP (Massive Ordnance Penetrator) mang đầu đạn định hướng được thiết kế đủ sức công phá lớp bê tông dày tới 200 feet (gần 62m).
Đây là loại bom thông thường có khối lượng lớn gấp 6 lần quả bom phá boongke từng được Không quân Mỹ sử dụng trước đây và có thể mang theo tải trọng nổ 5.300 pound (2.400 kg).
Siêu bom phá boongke MOP của Mỹ có thể xuyên thủng lớp bê tông dày 62m
Giới lãnh đạo quân đội Mỹ từng công khai thừa nhận loại vũ khí mới này được phát triển để tấn công những cơ sở hạt nhân kiên cố của các quốc gia “thù địch” như Iran và Bắc Triều Tiên. Mặc dù Lầu Năm Góc vẫn khẳng định không nhằm vào bất cứ mối đe dọa cụ thể nào nhưng các quan chức giấu tên thuộc bộ này nhiều lần đề cập rằng loại bom được thiết kế để vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của Iran ở Fordo hoặc ít nhất là để đoa dọa Tehran.
Iran hiện đang làm việc với tốc độ chóng mặt nhằm mở rộng cơ sở làm giàu uranium Fordo, được xây dựng bên trong một quả núi nằm giữa trung tâm đất nước mà các quan chức cao cấp Tehran từng tuyên bố là “bất khả xâm phạm”. Iran vẫn thường thông báo về chương trình hạt nhân tiến triển nhanh chóng của mình nhưng phủ nhận ý định phát triển bom hạt nhân.
Tuyên bố trên của ông Donley có thể được hiểu là lời tái khẳng định quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.
Liệu MOP trong thực tế có thể phá hủy được Fordo hay không vẫn còn là một vấn đề để ngỏ và có thể chẳng bên nào biết chắc chắn được điều đó.
Hiệu quả của bom phá boongke tùy thuộc vào độ rắn của đất mà nó nhắm tới, sức không phá đến đâu và cấu trúc bên trong chính các căn cứ. Với trường hợp Fordo, phía Mỹ có thể chỉ biết được sơ sài cách bố trí của cơ sở này.
Trong kịch bản khả dĩ nhất, Mỹ tin rằng một đòn tấn công thành công có thể đẩy chương trình hạt nhân của Iran lùi lại vài năm. Còn trong trường hợp xấu nhất thì ít nhất cũng phá hủy được các lối vào căn cứ và buộc Iran phải xây dựng lại phần lớn công việc.
Hai quả bom MOP có thể đồng thời được chở trên máy bay ném bom B-52 cải tiến. Một quan chức Mỹ trước đây từng nói rằng hiệu quả của bất kỳ chiến dịch nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc các máy bay của Mỹ sẽ mang được bao nhiêu quả.