Mỹ nới cấm vận vũ khí: Cơ hội mua máy bay săn ngầm
Các nước lâu nay bán vũ khí cho Việt Nam sẽ phải tính toán để chào hàng với giá hợp lý hơn.
Nới lệnh có lợi cho cả Mỹ
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (nguyên Tư lệnh Quân khu I - QĐND Việt Nam) cho rằng, Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí là một động thái bình thường trong quan hệ quốc tế.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (nguyên Tư lệnh Quân khu I - QĐND Việt Nam) |
"Trong xu thế của quốc tế, việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí là điều phù hợp với quy luật." - Tướng Thệ nói.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - Phạm Xuân Thệ là một trong những người đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập năm 1975. Chính ông trực tiếp áp giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh, lên xe đến đài phát thanh Sài Gòn để đọc bản tuyên bố đầu hàng.
Nhà cầm quân phân tích: Mỹ là đối thủ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh mấy chục năm trước. Vì vậy, Mỹ đương nhiên không muốn quân sự Việt Nam mạnh lên. Đến những năm 84 - 85 của thế kỷ 20, Mỹ bắt đầu bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trên một số lĩnh vực. Nhưng riêng vũ khí, Mỹ vẫn cấm vận vì không muốn Việt Nam có những trang thiết bị tối tân để chống lại các cuộc xâm lược.
Nay Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quân sự. Theo Tướng Thệ, điều này có lợi cho cả 2 nước. Việt Nam có tiềm lực phòng thủ tốt hơn. Mỹ lại bán được vũ khí, thu lợi nhuận. Mỹ vốn là nước chuyên sản xuất và buôn bán vũ khí. Mở cửa bán cho Việt Nam cũng giúp Mỹ tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá.
Mặt khác, tướng Thệ cho rằng, chính nước Mỹ cũng muốn gây ảnh hưởng và hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Minh chứng là Mỹ xây căn cứ quân sự ở Philippines. Mỹ không nới lỏng lệnh cấm với Việt Nam từ sớm hơn có thể vì lúc đó họ thấy chưa có lợi. Bây giờ là lúc Mỹ cần tạo thế cân bằng chiến lược trên biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam lại đang có nhu cầu trang bị thêm các loại vũ khí hiện đại để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Mỹ đang tiến gần hơn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
Cũng theo nguyên Tư lệnh Quân khu I, không phải chỉ trong giai đoạn này Việt Nam mới phải mua vũ khí. Dù Mỹ không bán, Việt Nam vẫn phải sản xuất hoặc mua từ các nước khác. Việt Nam không chỉ chống lại các cuộc xâm lược trên biển mà cả đất liền. Mỹ cũng không phải là nước duy nhất sản xuất vũ khí sát thương. Việt Nam cần những loại vũ khí phù hợp với mục đích phòng thủ. Mặt khác, Mỹ có lẽ sẽ không bán cho Việt Nam những loại vũ khí tối tân nhất. Nhưng nhiều khả năng, Mỹ chủ trương bán cho Việt Nam tàu chiến, máy bay phòng thủ.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là dỡ bỏ một phận lệnh cấm. Có lẽ sẽ còn lâu nữa, Mỹ mới bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam." – trung tướng Thệ nhận định.
Các nước phải chào hàng vũ khí giá hợp lý hơn
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Lê Mã Lương cho rằng, trên thực tế, từ năm 1975, Việt Nam không gặp khó khăn nhiều lắm về vũ khí và trang thiết bị quân sự, kể cả vũ khí sát thương. Bởi vì, sau chiến thắng 1975, Việt Nam đã thu được một lượng đáng kể nguồn vũ khí của Mỹ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Lê Mã Lương |
Theo thiếu tướng Lê Mã Lương, gần 40 năm qua, Mỹ cấm vận vũ khí khiến Việt Nam gặp khó khăn chút ít nhưng không hẳn vì thế mà trang thiết bị quân sự chúng ta yếu đi. Đương nhiên, bây giờ chúng ta vẫn cần thiết bị, phụ tùng thay thế, bảo dưỡng nhằm duy trì và tăng cường khả năng hoạt động cho những loại vũ khí đã có.
Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương giúp Việt Nam có thêm cơ hội trang bị vũ khí đa dạng hơn. Thị trường nhập khẩu vũ khí của Việt Nam mở rộng hơn. Việt Nam có điều kiện lựa chọn những loại vũ khí tốt nhất, giá thành rẻ nhất để trang bị cho nền quân sự của mình. Các nước lâu nay bán vũ khí cho Việt Nam sẽ phải tính toán để chào hàng với giá hợp lý hơn, không thể ép giá như trước.
Cũng theo Anh hùng Lê Mã Lương, một trong những loại vũ khí Việt Nam có cơ hội và nên trang bị trước mắt là máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. Đây được gọi là máy bay P3 hoặc máy bay săn ngầm.
Ông đánh giá, Việt Nam phải phòng thủ ở một đường bờ biển rất dài và nhiều đảo. Trong khi đó số lượng tàu ngầm Trung Quốc và các nước hoạt động quanh khu vực đang gia tăng rất nhanh. Việc sắm những loại máy bay này trở nên cấp thiết. Nếu Việt Nam có loại máy bay này, sẽ là lời cảnh cáo đối với các nước nhăm nhe xâm lấn biển Đông.
Ngoài ra, thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, chúng ta cũng cần trang bị sớm tàu chiến của Mỹ. Phần lớn tàu chiến của chúng ta tự đóng theo công nghệ của Phần Lan, Hà Lan,... hoặc tàu mua của Nga. Nhìn chung, những tàu này cũng rất hiện đại nhưng vẫn không bằng của Trung Quốc. Phải mua được tàu chiến của Mỹ mới có thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay.