Mỹ ngăn Hàn Quốc dội bom xuống Triều Tiên?

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng Mỹ đã từng nỗ lực ngăn Hàn Quốc dội bom và nã pháo vào Triều Tiên năm 2010.

Ngày 15/1, chính phủ Hàn Quốc đã từ chối bình luận sau khi có thông tin Mỹ đã thuyết phục và ngăn chặn Hàn Quốc tiến hành một cuộc không kích trả đũa Triều Tiên vào năm 2010.

Thông tin trên được tiết lộ trong cuốn hồi ký mới được xuất bản của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong đó ông mô tả cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun là “hơi điên rồ.”

Mỹ ngăn Hàn Quốc dội bom xuống Triều Tiên? - 1

Cuốn hồi ký mới xuất bản của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates

Tháng 11/2010, Triều Tiên đã bất ngờ nã pháo vào một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc, gây nhiều thiệt hại về người và của. Ông Gates cho biết vụ nã pháo này đã châm ngòi cho một “cuộc khủng hoảng rất nguy hiểm”, khiến Tổng thống Hàn Quốc hồi đó là Lee Myung-bak kêu gọi phải có biện pháp quân sự đáp trả tương xứng.

Ông Gates viết trong hồi ký: “Chúng tôi cho rằng các kế hoạch trả đũa ban đầu của Hàn Quốc là dữ dội quá mức khi họ định sử dụng cả không quân và pháo binh để tấn công. Chúng tôi lo ngại rằng những cuộc tấn công trả đũa này sẽ làm leo thang tình hình đến mức nguy hiểm.”

Ông Gates cho biết chỉ trong vòng vài ngày sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gọi vô số cuộc điện thoại cho người đồng cấp Hàn Quốc với nỗ lực xoa dịu tình hình.

Cuối cùng, Hàn Quốc đã nhất trí với biện pháp phản pháo vào đúng vị trí những khẩu pháo đã nhả đạn vào lãnh thổ của mình.

Mỹ ngăn Hàn Quốc dội bom xuống Triều Tiên? - 2

Ông Gates: Mỹ đã ngăn Hàn Quốc dội bom Triều Tiên năm 2010

Tuy nhiên chính phủ Hàn Quốc đã từ chối xác nhận những thông tin về cuộc khủng hoảng năm 2010 do ông Gates đưa ra.

Hiện có hơn 28.000 lính Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc, và theo các điều khoản của hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ sẽ tiếp quản quyền chỉ huy quân sự toàn diện đối với lực lượng liên quân trong trường hợp một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra.

Vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải là hiệp ước hòa bình nên trên danh nghĩa, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Nguy cơ căng thẳng leo thang sau vụ nã pháo vào đảo Yeonpyong là vô cùng cao, đặc biệt là trong bối cảnh sự kiên nhẫn của Hàn Quốc đã đạt tới mức cực hạn sau vụ một tàu chiến của họ được cho là đã bị ngư lôi của tàu ngầm Triều Tiên đánh chìm.

Theo cựu Bộ trưởng Gates, đồng minh thân cận của Triều Tiên là Trung Quốc đã góp phần xoa dịu căng thẳng bằng cách “gây sức ép với các lãnh đạo Triều Tiên làm hạ nhiệt tình hình.”

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Gates đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khi nói rằng vị tổng thống bảo thủ này là một người “kiên quyết, thực tế và rất thân Mỹ.”

Đánh giá này của ông Gates hoàn toàn trái ngược với cách nhìn nhận về người tiền nhiệm của ông Lee là cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người mà ông Gates mô tả là “chống Mỹ và hơi điên rồ một chút.”

Ông Gates đã tỏ ra ngạc nhiên khi cựu Tổng thống Roh nói với ông rằng hai mối đe dọa an ninh lớn nhất ở châu Á là Nhật Bản và Mỹ.

Ông Roh Moo-hyun là Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ 2003-2008. Năm 2009, ông đã nhảy xuống một vách đá phía sau nhà của mình để tự sát sau khi bị các công tố viên thẩm vấn về những bê bối tham nhũng bị nghi ngờ có liên quan đến gia đình ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo DefenseNews) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN