Mỹ muốn trở lại căn cứ châu Á
Trong chiến lược “tái cân bằng” lực lượng tại châu Á, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch quay trở lại các căn cứ quân sự cũ trong khu vực và mở rộng hoạt động huấn luyện tại Nhật.
Theo báo Bangkok Post, trong những tuần gần đây Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với chính quyền Thái Lan về việc thành lập một trung tâm cứu hộ tại sân bay quân sự U-Tapao, cách thủ đô Bangkok 140km về phía nam. Quân đội Mỹ từng xây đường băng sân bay U-Tapao và triển khai máy bay ném bom B-52 trong thập niên 1960 và 1970.
Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Philippines tuyên bố sẵn sàng cho phép Mỹ đưa lính, tàu chiến, máy bay... đến các cơ sở quân sự cũ mà Mỹ từng hiện diện.
Tăng cường tiếp cận
Trong thời gian qua, chính quyền Thái Lan đã cho phép Không quân Mỹ sử dụng sân bay U-Tapao làm địa điểm trung chuyển cho các chuyến bay sang Trung Đông. Căn cứ này cũng là trung tâm của các cuộc tập trận Cobra Gold (Rắn hổ mang vàng) hằng năm, có sự tham gia của trên 20 quốc gia. Mới đây, báo The Nation đưa tin quân đội Thái Lan không hề phản đối việc Mỹ muốn thiết lập trung tâm cứu hộ ở U-Tapao.
Theo báo Washington Post, các quan chức Lầu Năm Góc cũng tiết lộ hải quân Mỹ muốn tiếp cận các hải cảng Thái Lan. Hải quân Mỹ đang chuẩn bị triển khai bốn tàu chiến gần bờ (LCS) đến Singapore và có ý định luân phiên đưa chúng đến Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng đang xem xét khả năng thực hiện các chuyến bay giám sát không lưu từ Thái Lan, Philippines và Úc.
Loại tàu chiến gần bờ Mỹ sẽ triển khai ở Singapore và muốn đưa đến Thái Lan - Ảnh: Lockheedmartin.com
Lầu Năm Góc nhấn mạnh một trong những ưu tiên của Washington là cải thiện khả năng giám sát các tuyến hàng hải thương mại và quân sự ở Đông Nam Á cũng như Ấn Độ Dương. Trong khi đó, báo chí Philippines đưa tin Mỹ cũng muốn quay trở lại các căn cứ cũ ở Philippines như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở vịnh Subic. Báo Philippines Star dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Honorio Azcueta tuyên bố Manila sẵn sàng đón quân đội, tàu chiến và máy bay Mỹ. “Đó là những gì chúng tôi muốn... việc tăng cường các cuộc tập trận và khả năng hợp tác” - ông Azcueta nhấn mạnh.
Các quan chức Mỹ cho biết Washington không có ý định đóng quân lâu dài tại các căn cứ cũ này hay xây dựng căn cứ mới. Thay vào đó, quân đội Mỹ muốn hoạt động ở các căn cứ này với tư cách khách mời, theo dạng luân chuyển. “Tôi không mang cờ Mỹ đi cắm khắp nơi trên thế giới - Washington Post dẫn lời chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey - Chúng tôi muốn trở thành đối tác với các nước khu vực, muốn tăng cường năng lực chung vì lợi ích chung”.
Trước đó báo chí Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ muốn quay trở lại U-Tapao là một bước nữa nhằm siết chặt vòng vây kềm tỏa Bắc Kinh. Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Catharin Dalpino bình luận Thái Lan không coi việc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ là hành vi hủy hoại mối quan hệ với Trung Quốc.
Huấn luyện bay ở Nhật
Tạp chí Foreign Policy cho biết năm 2014, hải quân Mỹ sẽ bắt đầu triển khai máy bay do thám và chống tàu ngầm P-8A Poseidon đến châu Á - Thái Bình Dương để thay thế máy bay do thám cũ P-3C Orion. Cũng từ năm 2014, hải quân Mỹ sẽ triển khai máy bay tàng hình không người lái có nhiệm vụ do thám ở tầm cao đến khu vực. Theo kế hoạch hiện tại, các máy bay không người lái này sẽ hoạt động ở Guam, nhưng Washington vẫn đang tìm kiếm đối tác châu Á để tiếp nhận chúng.
Theo báo mạng Asia Times, bên cạnh đó lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (USMC) đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay tập huấn khắp nước Nhật. Washington sẽ triển khai 24 máy bay trực thăng vận tải quân sự MV-22 Osprey đến căn cứ Futenma của USMC ở Okinawa để thay thế 24 máy bay trực thăng vận tải CH-46 cũ kỹ.
USMC sẽ thực hiện các chuyến bay huấn luyện bằng máy bay M-22 trên khắp lãnh thổ Nhật, trừ bốn thành phố lớn Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka. Báo cáo đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết trực thăng MV-22 có thể bay nhanh gấp đôi, xa gấp bốn và chở nặng gấp ba máy bay CH-46. MV-22 có thể bay liên tục 3.900km. Dự kiến USMC thực hiện 6.700 chuyến bay hằng năm.
Báo chí Mỹ cũng đánh giá việc Mỹ tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển Hoa Đông với hai đồng minh là Nhật và Hàn Quốc trong hai ngày 21 và 22/6 cũng là một tín hiệu tốt đối với chiến lược “tái cân bằng” của Washington ở châu Á.