Mỹ "không muốn nhìn thấy đảo chính" ở Thái Lan
Mỹ hôm 3-2 lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra đảo chính quân sự ở Thái Lan khi những người biểu tình chống chính phủ tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động sau cuộc bầu cử.
Những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục các cuộc tuần hành trên đường phố sau bầu cử trong nỗ lực buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức, khiến Mỹ lo ngại rằng “căng thẳng chính trị” đang thách thức nền dân chủ của Thái Lan.
“Chúng tôi chắc chắn không muốn nhìn thấy một cuộc đảo chính hay bạo lực. Chúng tôi tuyên bố thẳng thắn với tất cả các thành phần trong xã hội Thái Lan nhằm làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện dân chủ và hiến pháp để giải quyết các bất đồng chính trị. Chúng tôi không đứng về bên nào nhưng tiếp tục kêu gọi tất cả các bên cam kết đối thoại chân thành để giải quyết những khác biệt chính trị một cách hòa bình và dân chủ” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết.
Những người biểu tình diễu hành trên đường phố Bangkok hôm 3-2. Ảnh: EPA
Cuộc bầu cử đã mở ra chương mới cho sự bất ổn chính trị mà các chuyên gia cho rằng chính phủ Bangkok đang ngày càng dễ bị tổn thương. Nguy cơ xảy ra can thiệp của tòa án hoặc đảo chính quân sự cũng rõ nét hơn.
Hiện có rất ít dấu hiệu của sự kết thúc bế tắc khi đảng cầm quyền Pheu Thai chuẩn bị tinh thần đối phó với các biện pháp tẩy chay bầu cử của đảng Dân chủ đối lập.
Dù vậy, theo kết quả không chính thức của cuộc tổng tuyển cử hôm 3-2 cho thấy Pheu Thai nhận được ít phiếu bầu hơn trong các cuộc thăm dò cuối cùng.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban nhận tiền đóng góp của trong lúc tuần hành ở Bangkok hôm 3-2. Ảnh: EPA
Trong khi đó, những con số không chính thức cho thấy có 45,8% cử tri hội đủ điều kiện đi bầu đã tham gia cuộc bầu cử ngày 2-2. Nếu được xác nhận, đây là một sự sụt giảm mạnh so với 75% cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2011.
Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử (EC), tính riêng Bangkok, chỉ có 26,1% cử tri bỏ phiếu, ít hơn nhiều so với con số 71,6% trong các lần thăm dò trước đây. Các nhà quan sát cho rằng số lượng cử tri thấp ở các tỉnh miền Nam chứng tỏ chiến dịch chống chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng hơn dự tính.
Trong một diễn biến có liên quan, quân đội đã cảnh cáo lãnh đạo Áo đỏ ở tỉnh Pathum Thani, ông Wuthipong Kachathamkun, phải đối mặt với các cáo buộc hình sự nếu tiếp tục cáo buộc Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đã ra lệnh giết ông.