Mỹ: Điều Vệ binh Quốc gia ngăn bạo lực kinh hoàng
2.200 Vệ binh Quốc gia được huy động để đối phó với tình hình bạo lực ở thị trấn Ferguson.
Sáng ngày 26/11 (tức tối ngày 25/11 giờ Mỹ), Thống đốc bang Missouri Jay Nixon đã phải huy động tới 2.200 Vệ binh Quốc gia cùng nhiều xe bọc thép và trang bị chống bạo động tới thị trấn Ferguson nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực bùng phát dữ dội sau khi một bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố viên cảnh sát đã bắn chết thanh niên da màu Michael Brown.
Vệ binh Quốc gia được huy động để ngăn chặn bạo động tại Ferguson
Thống đốc Nixon cho biết: “Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực tới Ferguson để ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng vô luật pháp diễn ra đêm qua. Lần này chúng tôi sẽ làm tốt hơn”.
Trong đêm thứ Hai, biểu tình bạo lực đã nổ ra dữ dội ở Ferguson sau khi một bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội cảnh sát Darren Wilson, người đã nổ súng bắn chết Brown vào ngày 9/8 trong một vụ đối đầu gây nhiều tranh cãi.
Nhiều tòa nhà tại Ferguson đã bị người biểu đốt cháy, các cửa hàng bị đột nhập và cướp phá, trong khi tiếng súng vang rền khắp nơi. Nhiều cuộc biểu tình hòa bình cũng nổ ra ở nhiều thành phố khác trên nước Mỹ, và họ dự định sẽ tổ chức hơn 130 cuộc biểu tình ở 37 bang khác nhau của nước Mỹ vào ngày hôm nay để phản đối quyết định của bồi thẩm đoàn.
Người biểu tình giận dữ sau khi quyết định của bồi thẩm đoàn được công bố
Một người biểu tình tên là Al Sharpton nói: “Chúng tôi ủng hộ gia đình Michael Brown chiến đấu vì lẽ phải. Chúng tôi có thể đã thua ở vòng một, nhưng trận đấu vẫn chưa kết thúc”.
Cuộc bạo loạn ở Ferguson nổ ra từ lúc 9:30 tối, ngay sau khi quyết định của bồi thẩm đoàn được công bố. Ngay sau đó là những cuộc tuần hành lớn, những khẩu hiệu được hô vang, và bạo lực bùng lên.
Người biểu tình đã đốt cháy một loạt cửa hàng dọc đường West Florissant chạy dọc thị trấn Ferguson và phá hủy nhiều xe hơi ở một cửa hàng gần đó. Nhiều đối tượng đã đập vỡ cửa kính cửa hàng, xông vào bên trong và cướp sạch hàng hóa trong sự bất lực của cảnh sát và chủ cửa hàng. Ít nhất 100 tiếng súng đã được các đối tượng chưa rõ danh tính bắn ra.
Người biểu tình đập pháp xe cảnh sát
Ông Jon Belmar, cảnh sát trưởng hạt St. Louis cho biết: “Những gì diễn ra tối nay tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc bạo động hồi tháng Tám. Cảnh sát liên tiếp bị ném gạch đá, 2 xe tuần tra bị đốt cháy, và chúng tôi đã phát hiện cả súng tiểu liên”.
Cảnh sát đã phải bắn hàng loạt đạn hơi cay và đạn cao su về phía đám đông biểu tình để tìm cách ngăn chặn bạo lực. Họ đã bắt giữ ít nhất 61 đối tượng với nhiều tội danh khác nhau, từ tụ tập trái phép đến trộm cắp, sở hữu vũ khí trái phép và phóng hỏa.
Cảnh sát sử dụng hơi cay để ngăn chặn bạo lực tại Ferguson
Thị trưởng Ferguson đã lên tiếng chỉ trích Thống đốc Nixon đã không cho triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia sớm hơn để ngăn ngừa bạo lực.
Thị trưởng James Knowles nói: “Rõ ràng tối qua lực lượng Vệ binh Quốc gia là rất cần thiết, và họ cần được triển khai sớm hơn. Nhiệm vụ của họ là phải được triển khai để duy trì trật tự và bảo vệ người dân cùng doanh nghiệp, nhưng họ đã không được điều đến”.
Hàng loạt cửa hàng bị người biểu tình thiêu rụi
Mặc dù đến ngày thứ Ba, tình hình đã lắng dịu, nhưng nhà chức trách Ferguson dự đoán tối nay sẽ là một đêm không ngủ nữa của thị trấn, và tình hình bạo lực sẽ còn diễn biến rất phức tạp.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay họ đang mở hai cuộc điều tra riêng biệt trong vụ Brown bị bắn chết để xem cảnh sát Wilson có vi phạm quyền công dân của Brown hay không, và cách hành xử của sở cảnh sát Ferguson đối với cộng đồng người da màu thiểu số như thế nào. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder khẳng định hai cuộc điều tra này sẽ được tiến hành toàn diện và độc lập để đưa ra kết quả đáng tin cậy nhất.
Một xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã hối thúc người dân Ferguson không sử dụng các biện pháp bạo lực và cam kết chính quyền sẽ hợp tác chặt chẽ với họ điều tra vụ việc. Ông nói: “Vấn đề ở đây không phải là của riêng Ferguson, mà là của toàn nước Mỹ”.
Video bạo lực kinh hoàng ở thị trấn Ferguson: