Mỹ điều chiến đấu cơ F-22 tới Hàn Quốc
Mỹ vừa đưa đội máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Hàn Quốc tham dự tập trận quân sự nhằm nhấn mạnh cam kết bảo vệ Seoul trước hàng loạt đe dọa từ Triều Tiên.
Máy bay chiến đấu trốn radar F-22 tiên tiến của Mỹ được điều từ Nhật Bản đến căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Hàn Quốc để tham gia tập trận, bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Hàn Quốc nói trong một thông báo thúc giục Triều Tiên kiềm chế.
“Triều Tiên sẽ chẳng đạt được điều gì bằng cách đe dọa, mà chỉ khiến chính họ bị cô lập hơn và ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á”, thông báo nói.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên khiến Giáo hoàng Francis lên tiếng kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
“Hòa bình ở châu Á, trên bán đảo Triều Tiên: Liệu những bất đồng có thể vượt qua để nhường chỗ cho tinh thần hòa giải”, Giáo hoàng nói trong lễ Phục sinh hôm qua.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cho tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân hồi tháng 2, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc và bỏ qua cảnh báo của nước đồng minh Trung Quốc.
Để phô trương lực lượng, Mỹ hôm thứ 5 tuần trước đã điều 2 máy bay ném bom tàng hình B-2 đến tập trận tại Hàn Quốc.
Để trả đũa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký lệnh điều các đơn vị tên lửa chuẩn bị sẵn sàng tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương.
Máy bay chiến đấu F-22 sẽ tham dự đợt tập trận Đại Bàng Non nhằm mục đích nâng cao khả năng sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc trong hoàn cảnh bị tấn công.
Quân đội Mỹ không cho biết đã điều bao nhiêu máy bay chiến đấu tàng hình từ Nhật sang Hàn Quốc, mà chỉ thông báo đây là đợt luân chuyển định kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương mà Mỹ vẫn thực hiện từ năm 2004.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo trích lời phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga, chỉ trích Bình Nhưỡng vì hàng loạt hành động “khiêu chiến” sau khi báo Rodong Sinmun thuộc Đảng Lao động Triều Tiên nói rằng nước này sẽ tấn công vào các mục tiêu của Mỹ tại Nhật Bản.
Về danh nghĩa, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-53 chỉ tạm chấm dứt bằng một hiệp định ngừng bắn. Dù Triều Tiên liên tục đe dọa, rất ít người cho rằng Triều Tiên sẽ mạo hiểm thực hiện một cuộc chiến tổng lực chống lại Mỹ và Hàn Quốc.