Mỹ "dằn mặt" Trung Quốc, trấn an Nhật Bản

Mỹ một mặt điều B-52 thách thức khu vực phòng không của Trung Quốc, mặt khác khẳng định sẽ tiếp tục hậu thuẫn Nhật Bản.

Ngày 27/11, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ gây sức ép với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm rõ ý đồ của họ trong việc thiết lập khu vực phòng không mới, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lại lên tiếng trấn an Nhật Bản về sự hậu thuẫn của Mỹ và rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự trong khu vực này.

Theo một quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ, Phó Tổng thống Biden sẽ tận dụng các cuộc gặp với giới lãnh đạo Bắc Kinh trong tuần tới để bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và yêu cầu Bắc Kinh làm rõ tuyên bố về khu vực phòng không trên biển Hoa Đông.

Mỹ "dằn mặt" Trung Quốc, trấn an Nhật Bản - 1

Phó Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các sĩ quan hải quân Mỹ

Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập khu vực phòng không này bao trùm một khu vực rộng lớn trên biển Hoa Đông, trong đó có nhóm đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại ngày hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố rằng động thái này của Trung Quốc là hành động đơn phương có nguy cơ gây bất ổn nhằm làm thay đổi hiện trạng trong khu vực.

Mỹ cũng đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua khu vực nhận diện phòng không này của Trung Quốc mà không báo trước theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Đài NHK của Nhật Bản cho biết quân đội Hàn Quốc cũng đã cho một máy bay tuần tra tại khu vực này hôm 26/11 mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Hai hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản là ANA Holdings và Japan Airlines cũng đã tuyên bố sẽ không tuân thủ các quy định của Trung Quốc khi bay qua khu vực này. Hãng hàng không giá rẻ Peach Aviation cũng đã cho máy bay bay qua khu vực này mà không hợp tác với nhà chức trách Trung Quốc.

Mỹ "dằn mặt" Trung Quốc, trấn an Nhật Bản - 2

Máy bay B-52 Mỹ "dằn mặt" Trung Quốc tại khu vực phòng không

Nguy cơ xảy ra đụng độ trên không tại khu vực này ngày càng hiển hiện, tương tự như vụ chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với một máy bay trinh sát của hải quân Mỹ trên Biển Đông hồi năm 2001. Trong vụ việc này, viên phi công đã thiệt mạng, trong khi chiếc máy bay trinh sát của Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Trung Quốc đã bắt giữ 24 người trong phi hành đoàn và sau đó trao trả cho Mỹ sau 11 ngày.

Ông Robert McNally, cựu nhân viên cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định nguy cơ xảy ra nổ súng trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản là “mối đe dọa không thể coi thường đối với sự phát triển và tin cậy” trong khu vực.

Ông McNally cho rằng tình hình có thể xấu đi nhanh chóng trong trường hợp Trung Quốc nổ súng cảnh cáo vào những máy bay bay qua khu vực này hoặc đưa các nhà khoa học đổ bộ lên nhóm đảo Senkaku để khiêu khích phản ứng của Nhật Bản.

Chuyên gia này cho rằng việc Trung Quốc thiết lập khu vực phòng không này có thể khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lập trường cứng rắn hơn khi xem xét khả năng thay đổi hiến pháp để triển khai quân đội ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Hiện ông Abe đang xem xét kế hoạch quốc phòng 10 năm của Nhật Bản, và rất có thể nước này sẽ tăng cường lực lượng tàu phòng vệ tên lửa đạn đạo và các loại máy bay tiếp nhiên liệu trên không để đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn đến từ Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BusinessWeek) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN