Mỹ có dám chống lại Trung Quốc trên Biển Đông?
Nhiều đồng minh châu Á nghi ngờ về khả năng đương đầu với Trung Quốc của Mỹ.
Chính sách “xoay trục” châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dẫn tới những hiểu nhầm trong các đồng minh của Mỹ ở châu Á về việc Mỹ sẽ làm gì để giúp họ trong trường hợp nổ ra xung đột nghiêm trọng trên các vùng biển đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Sự hiểu nhầm này thể hiện rõ ràng nhất ở Philippines, nơi Mỹ và chính phủ nước này vừa ký “Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Tăng cường” trong 10 năm, tạo điều kiện cho quân Mỹ lần đầu tiên trở lại các căn cứ của Philippines với số lượng lớn kể từ năm 1991 đến nay.
Hiểu nhầm tai hại nhất trong bản hiệp ước này chính là việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh chiếm các vùng biển đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động trên Biển Đông (Ảnh minh họa)
Ông Carlos Conde, một chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines nhận định: “Thực tế sẽ không được như những gì người Philippines kỳ vọng. Nhiều người Philippines cho rằng Trung Quốc là kẻ bắt nạt, và họ đưa ra bản thỏa thuận này như một cơ hội để Mỹ chứng tỏ việc giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh của mình.”
Những kỳ vọng trên của người Philippines cũng có cơ sở. Trong thực tế, nhiều khả năng Mỹ sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc ngăn chặn Trung Quốc tìm cách kiểm soát các đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Tại Manila, các quan chức ngoại giao và quân đội Mỹ đang thảo luận với chính phủ Philippines về việc thiết lập các căn cứ quân sự trên những hòn đảo nhỏ ở phía tây Palawan để có thể huy động lực lượng ra khu vực tranh chấp một cách nhanh nhất.
Còn ở phía bắc, Nhật Bản cũng trở nên “vững dạ” hơn sau khi Tổng thống Obama cam kết sẽ bảo vệ đồng minh trong trường hợp nhóm đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc bị tấn công.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thực sự muốn gây chiến với Bắc Kinh nếu Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng để chiếm quyền kiểm soát nhóm đảo Senkaku từ tay Nhật Bản và các hòn đảo khác từ tay Philippines.
Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh Trung Quốc đang ưu tiên chính sách ngoại giao trên Biển Đông, nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông sẽ là điểm nóng căng thẳng hơn và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra trên Biển Đông, lực lượng Mỹ đồn trú tại Philippines theo hiệp ước quân sự mới sẽ phải bố trí trước một lượng lớn trang bị, khí tài phục vụ cho các chiến dịch phản ứng khẩn cấp. Thế nhưng họ lại không thể làm được điều đó theo Hiệp ước Lực lượng Luân chuyển vốn chỉ cho phép Mỹ triển khai một lượng nhỏ trang bị khí tài theo hình thức luân chuyển ở Philippines.
Mâu thuẫn này sẽ vẫn tiếp diễn, khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng đối đầu thực sự giữa Mỹ với Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột. Ông Carlos Conde kết luận: “Tổng thống Obama đã khiến nhiều người băn khoăn khi tuyên bố rằng Mỹ đến Philippines không phải là để đối đầu với Trung Quốc. Nếu không làm gì được Trung Quốc, trục chiến lược châu Á của Mỹ sẽ chẳng còn nghĩa lý gì.”