Mỹ chính thức rút Cuba khỏi danh sách “tài trợ khủng bố"
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố" trước khi thông báo với Quốc hội Mỹ.
Ngày 15/4, các quan chức và người dân Cuba đã hân hoan đón mừng thông tin quốc gia này được đưa ra khỏi danh sách “các nước tài trợ khủng bố” của Mỹ, đồng thời cho rằng quyết định trên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giúp hàn gắn vết thương hàng thập kỷ qua với lòng tự hào dân tộc của Cuba.
Ông Josefina Vidal, quan chức ngoại giao cấp cao của Cuba phụ trách các vấn đề đối ngoại với Mỹ tuyên bố: “Chính phủ Cuba công nhận quyết định công bằng của Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách mà đất nước này đáng lẽ không bao giờ bị liệt vào”.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ và Cuba cho rằng quyết định này của Mỹ là một bước nhảy vọt trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tạo bàn đạp cho việc mở lại đại sứ quán hai nước ở Havana và Washington.
Ông Esteban Morales, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Havana nhận xét: “Đây là một bước ngoặt quan trọng vì nó thể hiện mong muốn của ông Obama muốn quan hệ hai nước tiến triển. Đến giờ đã không còn trở ngại chính trị nào nữa, chỉ còn những vấn đề về tổ chức và kỹ thuật có thể được giải quyết nhanh chóng”.
Trước đó, ông Obama đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố của mình, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Cuba “không có bất cứ hoạt động ủng hộ khủng bố quốc tế nào trong 6 tháng qua”, đồng thời Havana cũng khẳng định sẽ không có bất cứ hành động nào tương tự trong tương lai.
Sau khi được ông Obama thông báo, Quốc hội Mỹ có 45 ngày để xem xét quyết định của Tổng thống. Nếu cả hai viện của Quốc hội Mỹ ra nghị quyết chung phản đối quyết định này, ông Obama hoàn toàn có thể dùng quyền lực của mình để phủ quyết, đồng nghĩa với việc Cuba đã chắc chắn được đưa ra khỏi danh sách “tài trợ khủng bố” của Mỹ.
Mỹ bắt đầu đưa Cuba vào danh sách “tài trợ khủng bố” vào năm 1982, sau khi Havana bày tỏ sự ủng hộ đối với các tổ chức vũ trang cánh tả như FARC ở Colombia hay ETA ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên đến nay, Havana đang thể hiện vai trò tích cực trong việc bảo trợ các cuộc đàm phán hòa bình giữa FARC với chính phủ Colombia và đã cắt đứt quan hệ với ETA.
Việc được Mỹ đưa ra khỏi danh sách “tài trợ khủng bố” sẽ giúp Cuba có thêm các khoản đầu tư tài chính quan trọng từ các đối tác quốc tế từng bị ngăn cản đầu tư vào Cuba do chính sách của Mỹ.
Quyết định trên của ông Obama được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong hơn 50 năm qua.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, Mỹ và Cuba đã tổ chức nhiều vòng đàm phán để tiến tới bình thường hóa quan hệ và chấm dứt sự thù địch kéo dài tồn tại giữa hai nước từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hiện Iran, Sudan và Syria vẫn là các quốc gia nằm trong danh sách “tài trợ khủng bố” do Mỹ đặt ra.