Mỹ chế tạo máy bay do thám "siêu tàng hình"
Chiếc máy bay này có thể hoạt động do thám 24 giờ liên tục ở độ cao 18 km trong chế độ "siêu tàng hình" khiến radar đối phương mù tịt.
Tuần trước, các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ cho biết họ vừa thử nghiệm thành công một loại máy bay không người lái sở hữu công nghệ “siêu tàng hình” có thể hoạt động suốt 24 giờ phía sau chiến tuyến của đối phương.
Chiếc máy bay không người lái có tên gọi RQ-180 sẽ đem lại cho Mỹ những ưu thế vượt trội về khả năng tàng hình để có thể hoạt động do thám ở những quốc gia có hệ thống phòng không cực mạnh như Iran, Triều Tiên và Syria, nơi có thể bắn hạ những máy bay do thám thông thường.
Sau khi một chiếc máy bay do thám của Mỹ bị phòng không Iran bắn hạ vào năm 2012, quân đội Mỹ đã đặt ưu tiên hàng đầu trong việc chế tạo chiếc máy bay do thám có năng lực tàng hình vượt trội.
Chiếc máy bay "siêu tàng hình" tuyệt mật RQ-180 của Mỹ
Chuyên gia về công nghệ tàng hình quân sự bí mật Amy Butler cho rằng mấu chốt mang lại thành công cho chiếc máy bay mới này là khả năng bay xa và hoạt động liên tục suốt 24 giờ trong trạng thái tàng hình của nó.
Ông Butler nói: “Chiếc máy bay này có thể xuyên qua biên giới và tiến hành các hoạt động ngay trong không phận của đối phương mà không bị phát hiện.”
Chiếc máy bay được giữ bí mật đến mức các chuyên gia tin rằng nó đang nằm trong một hầm chứa ở Vùng 51, trung tâm thử nghiệm bay tuyệt mật được bảo vệ an ninh tối đa tại Nevada.
RQ-180 có thể bay ở độ cao tới gần 18 km trong trạng thái tàng hình. Khả năng tàng hình, bay cao để thu thập thông tin tình báo, do thám và trinh sát là những ưu tiên hàng đầu hiện nay của quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia trên thế giới đã cải tiến dáng kể hệ thống phòng không của mình với các loại vũ khí ngày càng hiện đại, khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thu thập được thông tin tình báo ngoại trừ nguồn thông tin thu được từ vệ tinh.
Tuy nhiên khả năng hoạt động liên tục suốt 24 giờ của chiếc máy bay mới này đã vượt trội hơn so với vệ tinh bởi vệ tinh thường xuyên bị bỏ sót mục tiêu cần do thám mà không hề hay biết.
Ông Butler cho biết với hình dáng như một con dơi khổng lồ, chiếc máy bay này có thể phong tỏa nhiệt năng do nó phát ra trong quá trình hoạt động nên các cảm biến nhiệt và cảm biến radar rất khó phát hiện để bắn hạ.
Theo ông Butler, chiếc máy bay do thám này có thể mang theo các cảm biến có thể nghe lén các cuộc đàm thoại qua điện thoại và bất cứ “hoạt động nào trên tần số của đối phương cũng như các hoạt động của radar.”
Theo tạp chí hàng không Aviation Week của Mỹ, hiện chiếc máy bay do thám “siêu tàng hình” này đã bắt đầu được sản xuất hàng loạt cho không quân Mỹ và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2015.