Mỹ: Bùng phát bạo loạn chống cảnh sát

Các vụ bạo loạn tiếp tục bùng phát tại hạt St.Louis, ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri, Mỹ, phản đối việc cảnh sát đã bắn chết một thanh niên da màu không có vũ trang vào ngày 9/8 vừa qua, bất chấp việc Tổng thống Barack Obama lên tiếng kêu gọi người dân kiềm chế.

Sở cảnh sát hạt St.Louis (bang Missouri) cho biết, trong sáng 13/8, cảnh sát đã làm một người bị thương khi nổ súng vào nhóm người mang vũ khí và mặt nạ có ý định tấn công cảnh sát. Trước đó ít giờ đồng hồ, cảnh sát cũng đã phải dùng đạn hơi cay để giải đám đông người biểu tình gần hiện trường xảy ra cái chết của chàng thanh niên Michael Brown, 18 tuổi.

Mỹ: Bùng phát bạo loạn chống cảnh sát - 1

Nhân viên cảnh sát tuần tra trên đường phố ở Ferguson, bang Missouri, Mỹ.

Ngày 12/8, hàng trăm người đã biểu tình trong hòa bình với khẩu hiệu “Giơ tay lên, không bắn” và “Không có công lý, không có hòa bình”. Tuy nhiên, sau đó, cuộc biểu tình đã kết thúc trong bạo động, những người biểu tình thi nhau ném chai lọ vào cảnh sát, buộc lực lượng vũ trang phải huy động cả xe bọc thép tới khu vực này.

Những vụ việc trên đã diễn ra sau hai đêm hạt St.Louis chìm trong các vụ biểu tình bạo lực, cướp bóc và các vụ bắt giữ.

Trước tình hình trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ vào cuộc để điều tra chi tiết về cái chết của thanh niên này. Ông Obama nói: “Tôi biết các sự kiện trong những ngày qua đã đẩy cảm xúc của các bạn lên một cách mạnh mẽ, nhưng tôi kêu gọi người dân ở Ferguson, bang Missouri và trên khắp đất nước hãy tưởng nhớ chàng thanh niên này bằng sự hiểu biết”.

Cũng trong ngày 12/8, gia đình và bạn bè đã làm một lễ tưởng niệm cho Michael Brown tại nhà thờ địa phương, sau khi cha của Brown kêu gọi mọi người hãy chấm dứt những hành động bạo lực và ông muốn đòi công lý cho con trai mình theo những cách đúng đắn.

Mỹ: Bùng phát bạo loạn chống cảnh sát - 2

Một cửa hàng tiện lợi bị đốt cháy trong đêm biểu tình ngày 10/8.

Làn sóng bạo loạn tại bang Missouri, Mỹ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà hoạt động. Ông Sharpton, một nhà bảo vệ dân quyền có trụ sở tại New York, đã kêu gọi mọi người biểu tình trong ôn hòa, sau khi xuất hiện hàng loạt vụ cướp bóc khiến hơn 50 người bị bắt kể từ khi vụ bắn chết Micheal Brown diễn ra.

Ông Jay Nixon, Thống đốc bang Missouri, mô tả cộng đồng tại đây “đang quay cuồng với những cảm giác như một vết thương cũ giờ lại bị xé toạc ra lần nữa”.

Trước đó, cảnh sát cho biết, Micheal Brown đã bị bắn trong khi đang tranh giành một khẩu súng với một sĩ quan trong xe cảnh sát, tuy nhiên, họ không cho biết tại sao nam thanh niên này lại ở trong xe. Ít nhất một phát đạn đã được bắn ra trong cuộc giao tranh và sau đó viên sĩ quan đã bắn nhiều phát trước khi rời chiếc xe.

Mỹ: Bùng phát bạo loạn chống cảnh sát - 3

Cảnh hôi của tại một cửa hàng trong địa phương.

Một nhân chứng ở gần đó cho biết, Brown bị giết khi đặt tay lên đầu. Tên của nhân viên cảnh sát này không được cơ quan chức năng công bố do lo ngại bị trả thù.

Những người dân có thu nhập thấp, chủ yếu là những người da màu tại St.Louis, cho biết, họ thường xuyên bị cảnh sát quấy rầy. Trong khi đó, ông Tom Jackson, cảnh sát trưởng của Ferguson, lại cho rằng, khu phố có rất nhiều tội phạm nhưng không có việc phân biệt chủng tộc.

Ferguson đã chứng kiến sự thay đổi nhân khẩu rõ rệt trong những thập kỷ gần đây do số người da màu sinh sống ở đây gia tăng nhanh chóng. Khoảng 2/3 dân số của thị trấn 21.000 dân này là người da màu và trong số 53 nhân viên cảnh sát ở đây thì có 3 cảnh sát là người da màu. Trong quá khứ, thị trấn này đã từng trải qua nạn phân biệt chủng tộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhung Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN