Mỹ bị chế nhạo vì dùng Twitter giả phá hoại Cuba

"Đây là một phần di sản điên rồ mà Mỹ đã làm với Cuba trong 50 năm qua.”

Cách đây hơn 50 năm, nhà ngoại giao Mỹ Lester Mallory đã viết một bị vong lục mật về Cuba với tiêu đề: “Sự suy tàn và sụp đổ của Castro”. Trong bản bị vong lục này, Mallory cho rằng việc làm cho người Cuba cảm thấy bất mãn là tiền đề cho lệnh cấm vận của Mỹ, và họ sẽ trút giận lên nhà lãnh đạo Fidel Castro.

Hơn nửa thế kỷ sau, có vẻ như chính phủ Mỹ đang tìm cách thực hiện chiến thuật này bằng một phương pháp hiện đại và mang tính công nghệ hơn, đó là sử dụng một dịch vụ Twitter giả để gây bất ổn trong xã hội Cuba.

Hôm thứ Năm, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã thừa nhận thông tin do hãng thông tấn AP đưa ra rằng chính USAID đã tạo nên một mạng xã hội “Twitter kiểu Cuba” để phá hoại chính phủ do người em trai của Fidel là Raul Castro lãnh đạo.

Mỹ bị chế nhạo vì dùng Twitter giả phá hoại Cuba - 1

Trụ sở Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)

Được thực hiện thông qua hệ thống công ty ma trên khắp thế giới, chương trình táo bạo này đã lôi kéo khoảng 40.000 người Cuba đăng ký tham gia bằng cách gửi những tin nhắn tưởng như vô hại về các chương trình thể thao và âm nhạc cho mọi người. USAID đặt tên cho mạng xã hội này là Zunzuneo, mô phỏng âm thanh của một loài chim bản địa ở Cuba.

Chương trình này đã được triển khai trong suốt 2 năm và chỉ bị chấm dứt vào năm 2012 vì thiếu ngân sách, và chỉ bị AP phanh phui trong thời gian gần đây.

Ann Louise Bardach, một chuyên gia về Cuba nhận xét: “Đây là một phần trong di sản điên rồ mà nước Mỹ đã làm với Cuba trong suốt hơn 50 năm qua.”

Việc AP phanh phui sự tồn tại của Zunzuneo đã khiến các quan chức Washington phải một phen bối rối. Những bị vong lục do AP thu được cung cấp rất nhiều bằng chứng cho thấy chính phủ Mỹ đã biết về chương trình của USAID trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney lại cho rằng “đây không phải là một chiến dịch ngầm, và chính phủ Mỹ đã có những biện pháp thận trọng cần thiết”.

USAID cũng đã ra một tuyên bố bảo vệ chương trình Zunzuneo: “Người dân Cuba đã có thể trò chuyện với nhau, và chúng tôi tự hào về điều đó.” Ông Rajiv Shah, Giám đốc USAID đã phải trả lời nhiều câu hỏi hóc búa liên quan đến chương trình Twitter kiểu Cuba trên đài MSNBC, và ông này sẽ tiếp tục phải ra điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, nơi đã gọi chương trình này là một thứ “ngớ ngẩn”.

Mỹ bị chế nhạo vì dùng Twitter giả phá hoại Cuba - 2

Biểu tượng của chương trình Zunzuneo mà USAID thực hiện ở Cuba

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Patrick Leahy đang phải nỗ lực rất nhiều trong chiến dịch vận động trả tự do cho Alan Gross, một nhà thầu của USAID bị bắt giữ ở Cuba năm 2010 với cáo buộc “phá hoại sự thống nhất của nhà nước” và bị kết án 15 năm tù.

Chương trình Zunzuneo được thực hiện chỉ vài tháng sau khi Gross bị bắt, và ông Leahy cho rằng việc Zunzuneo bị phanh phui vào thời điểm này có thể gây tác động tiêu cực đến chiến dịch vận động Cuba trả tự do cho Gross.

Vụ phanh phui chương trình gây bất ổn lần này cũng tạo nên làn sóng tranh cãi về tiêu chí hoạt động của USAID. Cơ quan này được biết đến như một tổ chức hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, và họ đã được phép thực hiện một dự án dân chủ ở Cuba. Tuy nhiên với việc Zunzuneo bị phanh phui, nhiều người cho rằng hoạt động của USAID là không phù hợp.

Ông Stephen Kaplitt, một cựu chuyên gia pháp lý của USAID nhận xét: “Đây là một ví dụ nữ cho thấy hiểm họa của việc sử dụng nguồn hỗ trợ từ nước ngoài như một loại vũ khí để chống lại chính quyền sở tại hơn là giúp đỡ họ. Khi họ bị chệch hướng khỏi sứ mệnh cốt lõi, họ sẽ đánh mất sự tín nhiệm và tin cậy.”

Mỹ bị chế nhạo vì dùng Twitter giả phá hoại Cuba - 3

Điện thoại thông minh đang ngày càng phố biến trong giới trẻ Cuba

Đây không phải là “tai nạn” đầu tiên của USAID ở Cuba. Năm 2006, Văn Phòng Kế toán Chính phủ Mỹ cũng đã từng chỉ trích nặng nề cơ quan này khi họ chi 74 triệu USD cho các dự án dân chủ ở Cuba mà không có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Trong dự án này, một công ty ở Miami đã sử dụng tiền của USAID để mua những thiết bị chơi game của Nintendo và Sony cùng xe đạp địa hình, áo da, cua biển và chocolate.

Ông Phil Peters, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Cuba ở Alexandria cho biết hồi năm 2011, ông đã từng xem một video do các quan chức Bộ Nội vụ Cuba thực hiện cảnh báo về những nỗ lực sử dụng Twitter để phá hoại chính phủ Cuba.

Vào thời điểm đó, dự án Twitter kiểu Cuba vẫn đang lặng lẽ được tiến hành ở hòn đảo này, và chính phủ Cuba vẫn không hề bị ảnh hưởng bởi những dự án kiểu như vậy. Giờ đây Cuba vẫn đang vững vàng, chỉ khác là chương trình Twitter của Mỹ đã sụp đổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN