Mỹ: bán trứng phụ nữ như bán hàng

Thị trường mua bán trứng phụ nữ đang bùng nổ ở Mỹ. Và phụ nữ gốc Á có thể bán trứng của mình với mức giá lên đến 10.000-20.000 USD, thậm chí 100.000 USD.

Dù vậy, các bệnh viện và công ty luôn lựa chọn ngôn từ cẩn thận. Trên giấy tờ, các vụ mua bán trứng được gọi là “hiến tặng”. Và người mua trả tiền cho “người hiến tặng” để bù đắp thời gian và sự mạo hiểm của họ. Một thị trường trứng phụ nữ đầy sôi động đang tồn tại ở Mỹ.

Cũng giống như quy luật của các thị trường hàng hóa khác, cung và cầu quyết định giá cả trứng phụ nữ. Các cô gái da màu thường chỉ nhận được khoảng 6.000 USD cho mỗi lần bán trứng. Ngược lại, phụ nữ gốc Á có thể nhận tới 10.000-20.000 USD. Nếu như họ có bằng đại học, chỉ số thông minh cao còn nhận được nhiều tiền hơn nữa.

Như hàng hóa thông thường

Linda Kline, người mang hai dòng máu Việt - Hoa và có bằng quản trị kinh doanh Đại học San Diego Mesa, nói đùa rằng trứng của mình là “kho tàng quý hiếm”. Cô cho biết đã “hiến tặng” trứng ba lần thông qua Hãng Baby Miracles ở San Marcos (bang California) và nhận tổng cộng 26.000 USD. “Họ nói với tôi rằng sẵn sàng tăng giá mua trứng của phụ nữ gốc Á, bởi rất khó tìm được người gốc Á muốn hiến tặng trứng” - cô Kline cho biết.

Mỹ: bán trứng phụ nữ như bán hàng - 1

Để có con, nhiều gia đình Mỹ sẵn sàng chi hàng chục ngàn USD mua trứng - Ảnh: Reuters

Giám đốc Hãng Baby Miracles Roxanne Sarro xác nhận người hiến tặng gốc Á có thể đòi mức giá cao hơn hẳn so với người có màu da khác. “Giá sẽ đặc biệt cao nếu người hiến tặng gốc Á 100%, ngoại hình đẹp và có bằng chứng cho thấy chỉ số thông minh cao, ví dụ như bằng đại học ngành toán chẳng hạn” - bà Sarro nói. Các công ty khác tiết lộ khi một phụ nữ gốc Á hiến tặng trứng lần đầu và thụ tinh thành công, những lần sau họ sẽ được trả giá cao hơn hẳn.

Giáo sư luật Lisa Ikemoto thuộc Đại học California khẳng định việc trả giá cao cho trứng của phụ nữ gốc Á không có gì là vi phạm pháp luật. “Nguyên nhân do không có luật quản lý việc định giá trứng phụ nữ - giáo sư Ikemoto cho biết - Nhìn vào thực tế hiện nay, trứng phụ nữ chẳng khác gì các loại hàng hóa trên thị trường, sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu, có nhiều đặc điểm tốt đương nhiên sẽ được trả giá cao”.

Thật ra Hiệp hội Y tế sinh sản Mỹ (ASRM) đã đưa ra các khuyến nghị cho ngành công nghiệp chữa bệnh vô sinh ở Mỹ. ASRM kêu gọi các bệnh viện, công ty không nên đặt mức giá khác nhau cho trứng của phụ nữ khác màu da, diện mạo, bằng cấp khác nhau. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết những hướng dẫn này hầu như không có hiệu lực.

Luật sư Andrew Vorzimer ở Los Angeles mô tả thị trường trứng phụ nữ là “miền Tây hoang dã của y tế sinh sản”. “Làm thế nào để thu hút phụ nữ gốc Á đến hiến tặng trứng? Chỉ có cách là trả nhiều tiền thôi - luật sư Vorzimer khẳng định - Tôi từng thấy những hợp đồng hiến tặng trị giá tới 50.000-100.000 USD”.

“Chủ nghĩa tư bản xâm nhập thị trường nội tạng”

Nhiều người hiến tặng gốc Phi than thở họ thường chỉ bán trứng được với giá 6.000 USD và nhu cầu rất ít ỏi. Nguyên nhân là do các gia đình da màu thường không có sức mạnh tài chính như các gia đình gốc Á. Giáo sư luân lý học sinh vật Laurie Zoloth thuộc Đại học Northwestern chỉ trích xu hướng này.

“Một phụ nữ nghèo da đen hay gốc Latin cũng phải chịu đựng như người gốc Á hay Do Thái hay có bằng Đại học Stanford khi đi hiến trứng - giáo sư Zoloth khẳng định - Việc giá cả trứng chênh lệch tùy chủng tộc và đẳng cấp là ví dụ ảm đạm của việc chủ nghĩa tư bản đã xâm nhập thị trường nội tạng người”.

Theo các chuyên gia y tế sinh sản Mỹ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn sốt trứng phụ nữ gốc Á. Khi người phụ nữ gốc Á bị vô sinh, vợ chồng họ thường muốn lấy tinh trùng của người chồng thụ tinh với trứng hiến tặng có gốc Á để đảm bảo đứa con sinh ra ít nhất có cùng nửa dòng máu và có màu da, mái tóc giống cha mẹ. Các gia đình gốc Á ít nhận con nuôi.

Mỹ: bán trứng phụ nữ như bán hàng - 2

Ở Mỹ đang có cơn sốt trứng phụ nữ gốc Á. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia này, nạn khan hiếm trứng phụ nữ gốc Á không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng đang trở nên khan hiếm cực kỳ là do hai tác động. Một mặt, số người giàu Trung Quốc đang tăng cao và một số lớn cặp vợ chồng đã có thể đến Mỹ để được hưởng trợ cấp sinh con. Mặt khác, rất nhiều người Trung Quốc muốn sinh con vào năm rồng. Trong khi đó nguồn cung lại hạn chế. Phụ nữ gốc Á thường ngại đi hiến tặng trứng do những lý do tài chính.

Theo khảo sát của Bộ Lao động Mỹ, nhìn chung phụ nữ gốc Á tại Mỹ thường có thu nhập và học hành cao hơn so với phụ nữ các nhóm sắc tộc khác. Lương của họ cao hơn 13% so với mức lương của phụ nữ da trắng, 31% so với phụ nữ da đen và 52% so với phụ nữ gốc Mỹ Latin.“Những phụ nữ trẻ gốc Á phải đi bán trứng là do quá bức bách về tài chính, chứ thường họ không mấy gặp khó khăn về tài chính và không cần bán trứng để có tiền đi học đại học hay mua nhà” - luật sư Vorzimer cho biết.

Mới đây, một công ty ở San Rafael (California) đã rao trên báo tiếng Hoa ở địa phương để mua trứng cho một cặp vợ chồng nhập cư từ Hong Kong với giá 25.000 USD nhưng chẳng ai đến bán.

Để sẵn sàng có trứng phụ nữ gốc Á, nhiều công ty đang tìm cách mở rộng việc mua trứng phụ nữ gốc Á ngoài biên giới nước Mỹ. Hãng Surrogate Alternatives ở San Diego cho biết họ có 400 người muốn “hiến tặng” nhưng trong đó chỉ có hai phụ nữ gốc Á. Do đó, hãng này tính sang tận Trung Quốc và Nhật để tìm người bán.

“Kể cả khi chúng tôi chưa có khách hàng cũng sẽ đến lấy trứng của người hiến tặng và lưu kho - giám đốc Van De Voort-Perez của hãng này cho biết - Chắc chắn sẽ có một cặp vợ chồng gốc Á đến hỏi mua”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN