Mỹ bác bỏ hình ảnh chấn động của Nga về vụ MH17
Một số chuyên gia cho rằng bức ảnh vệ tinh do Nga công bố chụp MH17 bị chiến đấu cơ Ukraine bắn rơi là giả.
Mới đây, một kênh truyền hình nhà nước Nga và công bố bức ảnh vệ tinh mà họ cho là chụp cảnh một chiến đấu cơ của Ukraine đã phóng tên lửa bắn hạ chiếc máy bay MH17 trên bầu trời miền đông Ukraine. Tuy nhiên Mỹ và nhiều chuyên gia phân tích đã lên tiếng phủ nhận tính xác thực của bức ảnh này.
Nga công bố bức ảnh vệ tinh cho thấy "MH17 bị chiến đấu cơ bắn rơi"
Bức ảnh được kênh truyền hình Channel One và đài Rossiya TV của Nga công bố hôm thứ Sáu, cho thấy một chiến đấu cơ Ukraine đang phóng một quả tên lửa không đối không thẳng về phía MH17. Channel One cho hay họ có được bức ảnh này từ email của một nhân vật bí ẩn, và đây được cho là hình ảnh do vệ tinh gián điệp của Mỹ hoặc Anh chụp lại.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho rằng đó chỉ là một nỗ lực “ngớ ngẩn” của Nga nhằm “làm lu mờ sự thật và chối bỏ trách nhiệm cuối cùng đối với thảm họa MH17”. Mỹ cũng tiếp tục kêu gọi Nga và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine “tạo đều kiện cho các điều tra viên quốc tế tiếp cận không hạn chế đối với hiện trường máy bay rơi”.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng bức ảnh vệ tinh mà Channel One công bố là giả, bởi một đám mây trong đó rất giống với một bức ảnh được chụp từ năm 2012, và một số chi tiết trong bức ảnh trông có vẻ không phù hợp.
Một số người cho rằng việc công bố bức ảnh trên là một nỗ lực tuyên truyền của Nga nhằm đánh lạc hướng sự chỉ trích của dư luận liên quan đến vụ MH17 đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tới dự hội nghị G20 tổ chức ở Úc.
Hiện trường nơi MH17 rơi
Một kỹ sư người Nga tên là Mark Solonin cho rằng chiếc chiến đấu cơ trong bức ảnh không phù hợp với cảnh nền xung quanh và kết luận rằng những hình ảnh này đã được chỉnh sửa công phu để trông giống một bức ảnh vệ tinh.
Trong khi đó, nhiều người nhận thấy chiếc máy bay chở khách trong bức ảnh có vẻ như là loại máy bay Boeing 767 chứ không phải Boeing 777 như MH17.
Theo tiết lộ của Channel One, bức ảnh vệ tinh mà họ có được là do Hiệp hội Kỹ sư Nga (RUE) cung cấp, và RUE chính là tổ chức từng tuyên bố rằng MH17 đã bị người Ukraine bắn rơi.
Phó chủ tịch RUE Ivan Andriyevsky khẳng định họ nhận được bức ảnh trên từ một người giấu mặt nói rằng ông ta tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ và đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.
Trước đây, báo cáo điều tra sơ bộ do Hà Lan thực hiện kết luận rằng MH17 bị bắn rơi bởi những “vật thể động năng cao”, và các chuyên gia hàng không cho rằng nó phù hợp với các mảnh tên lửa.
Từ trước tới nay phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đều chối bỏ mọi sự liên quan dén thảm họa MH17, trong khi Ukraine và phương Tây liên tục cáo buộc chính họ đã phóng tên lửa phòng không BUK bắn hạ chiếc máy bay xấu số.